Giới thiệu mô hình nuôi tôm, cua trong hộp nhựa
Nuôi cua biển, tôm tít trong hộp nhựa dùng công nghệ tuần hoàn, không phụ thuộc môi trường, ít hao hụt, giá trị cao… đang được nhiều người dân ứng dụng.
Vùng quê xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, Trà Vinh của Trần Minh Nhật, 29 tuổi, có nghề đánh bắt cua biển. Với đam mê làm nông nghiệp, bốn năm trước, Nhật lên mạng tìm kiếm các video trên Youtube hướng dẫn nuôi cua trong hộp nhựa dùng công nghệ tuần hoàn của nước ngoài. Công nghệ này giúp cua không phụ thuộc vào môi trường sống. Hệ thống nước được xử lý, chất lượng ổn định nên cua có tỷ lệ hao hụt thấp.
Nhìn thấy tiềm năng của hướng đi này, năm 2022, Nhật đầu tư 50 hộp nuôi cùng hệ thống tuần với các bể lọc thô, lọc vi sinh, chiếu đèn UV để xử lý nước với giá trị khoảng 15 triệu đồng. Cua giống 50 con chi phí 3 - 5 triệu đồng được Nhật thả nuôi riêng từng hộp.
Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm chọn cua giống, cùng kỹ thuật quản lý hệ thống tuần hoàn, Nhật thất bại vì cua chết nhiều. Không nản chí, Nhật học kinh nghiệm trên mạng, tham gia các khóa tập huấn nuôi cua do địa phương tổ chức. Nhật điều chỉnh các thông số môi trường với độ mặn tự nhiên, pH 7.5 - 8.5, vi sinh bổ sung định kỳ, châm nước hàng tuần vì khu vực nuôi gần sông.
Trần Minh Nhật và sản phẩm cua lột hút chân không nuôi bằng hệ thống tuần hoàn giới thiệu tại tỉnh Trà Vinh cuối năm 2023. (Ảnh: NVCC).
Việc chọn con giống được Nhật làm kỹ lưỡng, tìm kiếm nhà cung cấp uy tín, lựa cua có độ săn chắc, không xây xát. Sau những lần thất bại, cậu điều chỉnh kỹ thuật, cua phát triển ổn định hơn.
Đến nay, Nhật mở rộng mô hình lên 1.000 hộp nuôi, đầu tư thêm thiết bị sục oxy tươi vào trong nước, máy tách bọt... tổng chi phí 300 triệu đồng. Quy mô nuôi lớn hơn nên mỗi tháng, Nhật thu 180 - 200 kg cua lột và cua cốm, lãi 20 - 30 triệu đồng.
Hơn 4 năm nuôi cua trong hộp, Nhật tính toán, đầu tư 1.000 hộp nuôi khoảng một đến 1,5 năm là thu hồi vốn và có lời. Kể kinh nghiệm nuôi cua thành công, Nhật cho rằng 60% phụ thuộc vào nguồn giống, 40% còn lại là vận hành hệ thống tuần hoàn. "Người nuôi cua trong mô hình này cần có kiến thức nhất định, hiểu biết về công nghệ để điều chỉnh thông số môi trường nước hợp lý, đảm bảo phát triển con cua", Nhật nói, cho rằng mô hình nuôi cua trong hộp rất tiềm năng phát triển kinh tế. Người dân có thể nuôi ở bất cứ khu vực nào mà không phụ thuộc yếu tố gần biển. Hiện Nhật hướng dẫn ba nông dân khác tại địa phương đầu tư công nghệ, kỹ thuật nuôi, quy mô 300 - 500 hộp. Cua xuất bán được Nhật bao tiêu đầu ra.
Cũng sử dụng công nghệ tuần hoàn, Thạc sĩ Lê Ngọc Hạnh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, nuôi thử nghiệm tôm tít trong hộp nhựa quy mô hơn 1.000 hộp tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thạc sĩ Hạnh, hệ thống tuần hoàn nuôi tôm tít cơ bản không khác biệt so với nuôi cua. Tuy nhiên, do cua có đặc tính vừa sống dưới nước vừa trên cạn, nên thời gian vận hành hệ thống sục khí oxy ít hơn so với tôm. Ngược lại, tôm tít cần hệ thống tuần hoàn vận hành liên tục để ổn định môi trường. Tôm tít bơi liên tục dưới nước nên ít để lại cặn bẩn, giảm công chăm sóc. Thời gian nuôi tôm tít khoảng 3 - 6 tháng, đạt trọng lượng bán. Tôm tít ở kích cỡ lớn nhất, khoảng 3 - 6 con mỗi kg, giá khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng.
Theo thạc sĩ Hạnh, với chi phí nuôi khoảng 700.000 đồng mỗi kg, người dân có thể thu lời 500.000 đồng - 800.000 đồng. Với quy mô trên 1.000 hộp, sau một vụ đến một năm nuôi có thể hòa vốn chi phí đầu tư máy móc, thiết bị.
Về kinh nghiệm chọn giống, chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, cho biết cua hay tôm tít thường bị yếu sức khỏe và chết bởi nguyên nhân sốc môi trường. Do đó, khi chọn giống cua, người nuôi cần tìm kiếm đơn vị cung cấp có môi trường nuôi ổn định về độ mặn. Cách đánh bắt, vận chuyển cần tránh làm chúng xây xát, tổn thương.
Với tôm tít, không nên chọn con kích thước quá nhỏ vì sẽ kéo dài thời gian nuôi, cần chọn loại 10 - 12 con mỗi kg. Người nuôi cũng không chọn con vừa lột xác xong vì lúc này chúng rất yếu, dễ chết. Việc vận chuyển tôm tít cần cung cấp đủ oxy, có thể cho vào môi trường nuôi trung gian gần giống với hộp nuôi để tôm tít làm quen, giảm tỷ lệ chết do sốc môi trường. "Cần tìm hiểu kỹ quy trình đánh bắt và vận chuyển nơi cung cấp giống. Người nuôi cần yêu cầu nhà cung cấp theo quy trình như trên để đảm bảo con giống khỏe mạnh", thạc sĩ Hạnh nói.
Mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM. (Ảnh: Hà An).
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng hỗ trợ công nghệ thủy sản, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM), hệ thống tuần hoàn cơ bản gồm thiết bị trống lọc để tách chất thải, hệ thống lọc sinh học, thiết bị cung cấp oxy, thiết bị khử trùng nước bằng đèn UV. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện nuôi mà đầu tư hệ thống lọc khác nhau. Với những khu vực gần biển, có nguồn nước tự nhiên, có thể định kỳ thay 50% nước bên ngoài giúp người nuôi giảm bớt một số hệ thống lọc để giảm chi phí. Bà cho rằng, trong quá trình nuôi, quan trọng nhất là việc kiểm soát các khí độc trong nước như NH3, NO2 bằng kỹ thuật test nhanh làm hàng ngày. Nếu nồng độ khí độc trong nước quá cao, có thể gây sốc môi trường làm cua chết.
Ngoài cua, tôm tít, hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture Systems - RAS) có thể nuôi ghẹ, hải sâm và các loại thủy sản nước ngọt như ba ba, tôm càng xanh... Công nghệ RAS được một số quốc gia như Israel, Hà Lan, Trung Quốc nghiên cứu và ứng dụng gần 30 năm qua. Tại Việt Nam, công nghệ này được nhiều người dân áp dụng nuôi thủy sản hơn 10 năm trở lại đây nhờ nguồn vật liệu, nguyên liệu được cung cấp phong phú, giá thành cạnh tranh hơn.
Theo các chuyên gia, giá mỗi hệ thống RAS tùy thuộc vào loại vật liệu, đầu tư các hệ thống lọc nước. Do lắp trong nhà nên các thiết bị có tuổi thọ 5 - 10 năm hoặc hơn. Chi phí đầu tư cao nên hệ thống RAS phù hợp nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, ngắn ngày. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước, kiểm soát mọi yếu tố đầu vào, điều kiện nuôi và xả thải. Do đó môi trường nuôi được tạo điều kiện để không, hoặc rất ít sử dụng kháng sinh và thuốc. Công nghệ RAS đã được các tổ chức quốc tế như FAO và Eurofish khuyến nghị như một phương pháp nuôi trồng thủy sản bền vững.
Hệ thống tuần hoàn nước giúp người nuôi kiểm soát môi trường khi nuôi thủy sản trong hộp. (Ảnh: Hà An).
PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội nuôi biển Việt Nam đánh giá, nuôi thủy sản dùng hệ thống tuần hoàn giúp người nuôi theo dõi sự phát triển từng con trong hộp, đảm bảo yếu tố môi trường nên tỷ lệ hao hụt thấp hơn nhiều so với nuôi truyền thống. Mô hình này theo ông Dũng hoàn toàn có thể nhân rộng, giúp phát triển kinh tế cho người dân. Riêng với cua lột, ông Dũng nói thị trường trong nước và Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... rất ưu chuộng. Tuy nhiên, ông lo ngại khi số người nuôi tăng lên, dễ dẫn đến tình trạng không đủ cung cấp nguồn giống chất lượng, gây mất cân bằng chuỗi giá trị. Ông cũng đề xuất với cua và các loại thủy khác giá trị khác Nhà nước cần phối hợp doanh nghiệp xây dựng hệ thống chế biến, thực phẩm từ nguồn sản vật giúp tăng giá trị, cung cấp trong nước và xuất khẩu.
- Mô hình "Chăn thả + điện mặt trời" - công nghệ và động vật chung sống đang phát triển ở Mỹ
- Những mô hình nông nghiệp an toàn và bền vững của tương lai
- Trung Quốc làm trang trại tự động cao nhất thế giới do AI quản lý