Mô hình "Chăn thả + điện mặt trời" - công nghệ và động vật chung sống đang phát triển ở Mỹ
Trong khi tìm kiếm lợi ích của công nghệ, con người cũng hy vọng sinh vật xung quanh có thể cùng tồn tại với nó. Gần đây, một số công ty năng lượng sạch Mỹ đã tìm ra các mô hình tuyệt vời.
Họ đã sử dụng việc chăn thả đàn cừu để giữ cho các giàn pin mặt trời không bị cỏ dại “tấn công”, vừa cho cừu ăn cỏ để tiết kiệm chi phí cắt cỏ, vừa cho đàn cừu đứng dưới các tấm pin mặt trời để tận hưởng bóng mát, tránh nắng nóng trong mùa hè; ngoài ra còn có mô hình nuôi cá lồng tại các bãi điện gió xa bờ…
Mô hình chăn thả cừu + điện mặt trời đang phát triển mạnh ở Mỹ và lan sang châu Âu. (Ảnh: AFP).
Mô hình mới phù hợp thời đại mới
Ngành năng lượng mặt trời của Mỹ đang phát triển nhanh chóng, dự kiến trong năm nay sẽ bổ sung thêm gần 30 gigawatt (GW) công suất lắp đặt, có khả năng cung cấp năng lượng cho hàng chục triệu hộ gia đình. Tuy nhiên để có được lượng điện này phải trả giá bằng diện tích đất đai rất lớn không thể trồng trọt. Do đó, mọi người lo lắng rằng hiện nay thế giới đang trong tình trạng thiếu nước và thiếu lương thực, nếu một diện tích lớn đất bị các tòa nhà, đường sá hoặc các tấm quang điện che phủ thì trong tương lai sẽ không còn đủ đất trồng trọt và đồng cỏ chăn nuôi.
Báo cáo mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận American Farmland Trust ước tính rằng diện tích đất nông nghiệp bị mất thêm ở Mỹ từ năm 2016 đến năm 2040 sẽ là một con số đáng kinh ngạc: 18,4 triệu mẫu Anh, một diện tích gần bằng diện tích bang Nam Carolina của Mỹ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nông dân trên khắp thế giới hợp tác với các công ty năng lượng mới, với hy vọng thông qua phương thức mới là "chăn thả + điện mặt trời" cải thiện tình trạng đất nông nghiệp chỉ được sử dụng để đặt các tấm pin mặt trời.
Hình ảnh cho thấy hiệu quả của mô hình: cỏ dại được dọn sạch và đàn cừu tránh nắng dưới các tấm pin mặt trời. (Ảnh: Sohu).
Công ty năng lượng mới sẽ trả tiền trước cho nông dân để họ đưa đàn cừu đến Nhà máy quang điện (điện mặt trời), đàn cừu sẽ ăn cỏ dại hoặc các thực vật khác có thể che lấp các tấm pin cản ánh sáng mặt trời. Cách làm này mang lại lợi ích kinh tế cho cả ngành năng lượng tái tạo lẫn ngành công nghiệp nuôi cừu lấy thịt đang gặp khó khăn của Mỹ.
Hiện tại, Standard Solar, một công ty năng lượng tái tạo thực hiện "chăn thả + điện mặt trời" ở New England, vùng Trung Tây và miền Đông nước Mỹ, mỗi năm lợi dụng năng lượng mặt trời để tạo ra hơn 350 megawatt (MW) điện, nhưng họ mong có thể chung sống với ngành chăn nuôi, để giảm áp lực do công nghệ mang lại cho môi trường.
Ông Jay Smith, giám đốc công ty, nói với Bloomberg rằng: "thiết bị điện mặt trời phải được cắt cỏ thường xuyên vì nó có nguy cơ gây hỏa hoạn, nhưng cừu đã làm tốt hơn máy cắt cỏ truyền thống và có thể hỗ trợ tính đa dạng sinh học".
Ông Smith đã giải thích lý do tại sao cừu được chọn thay vì các loài động vật khác trên trang blog của công ty. Ông viết: “Cừu nhỏ hơn bò, điều này cho phép chúng đi lại dễ dàng hơn dưới các tấm pin mặt trời để ăn thực vật có hại, giảm nhu cầu cắt cỏ bằng tay và thuốc diệt cỏ, đồng thời dọn sạch những khu vực khó tiếp cận. Nuôi cừu tốt hơn dê vì dê thích leo trèo, sẽ trèo lên các tấm pin mặt trời và nhai dây điện - tất cả đều có thể phá hoại thiết bị".
Ông giải thích: "Đây là giải pháp thay thế chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, giúp bảo tồn hiệu quả đất nông nghiệp sản xuất và cung cấp cho các nhà phát triển cũng như chủ sở hữu tài sản một sự lựa chọn khả thi để chứng minh rằng họ có thể bảo vệ di sản nông nghiệp của vùng Trung Tây và miền Bắc nước Mỹ".
Hình vẽ phác thảo một trang trại theo mô hình nuôi cá + điện gió. (Ảnh: Sohu).
Chăn thả + điện mặt trời mang lại hy vọng cho nông dân
Ngoài ra, cách tiếp cận này có thể mang lại thu nhập và hy vọng mới cho ngành công nghiệp thịt cừu đang suy thoái và những người chăn nuôi cừu ở Mỹ.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), số lượng cừu giết mổ và nhu cầu đang giảm dần qua từng năm. Hiện mỗi năm số lượng cừu giết mổ chỉ còn hơn 2 triệu con. Mặc dù nhu cầu về thịt cừu của những người theo đạo Do Thái trong các lễ hội và cộng đồng khác gia tăng, nhưng những nhu cầu này vẫn không đủ để những người chăn nuôi cừu duy trì sinh kế của họ.
Ngoài ra, báo cáo của USDA cũng cho thấy rằng từ những năm 1960, mức tiêu thụ thịt cừu bình quân đầu người ở Mỹ đã giảm từ gần 5 pound xuống chỉ còn khoảng 1 pound/năm. Nguyên nhân là do ngày càng nhiều người Mỹ chấp nhận ít thịt cừu, và sự cạnh tranh từ các loại thịt khác như thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò, cộng với giá thịt cừu rẻ ở Australia và New Zealand khiến kinh doanh của người chăn nuôi cừu Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Josie Trople, 27 tuổi, cùng với chồng là Arlo Hark điều hành bãi chăn thả Cannon Valley Graziers ở Minnesota. Cô nói với Bloomberg rằng lựa chọn hợp tác với các công ty năng lượng mặt trời là để bảo tồn cơ nghiệp, vì các hộ chăn nuôi nổi tiếng là có mức lợi nhuận thấp.
Cô cũng cho biết, công ty gia đình trước đây sở hữu hơn 100 con cừu Rambouillet nhưng số thịt và lông cừu bán ra không đủ nuôi sống và bảo toàn tài sản, nếu muốn tiếp tục công việc này thì cần phải có những thay đổi tương ứng.
Theo một nghiên cứu đang diễn ra tại Đại học Cornell, việc sử dụng cừu thay cho máy cắt cỏ chạy bằng dầu diesel còn có thể giảm lượng khí thải nhà kính. Cừu cũng cung cấp phân bón, giúp cải thiện độ màu mỡ của đất, cũng như khả năng chiết xuất nhiều carbon hơn từ khí quyển và lưu trữ trong rễ.
Mặc dù mô hình chăn thả + điện mặt trời được hoan nghênh, nó vẫn phải đối mặt với những rào cản khi áp dụng, chẳng hạn như mua bảo hiểm theo yêu cầu của các nhà phát triển năng lượng mặt trời và chi phí cho việc vận chuyển đàn cừu. Vào năm 2018, Mỹ đã thành lập Hiệp hội chăn thả + năng lượng mặt trời, cơ quan duy nhất đầu tiên cung cấp tài nguyên chăn thả năng lượng mặt trời, với các mẫu hợp đồng và công cụ lập bản đồ kết nối nông dân với các công ty năng lượng mặt trời. Hiệp hội hiện đang phát triển một mô hình nhượng quyền thương mại cho phép các loài động vật ăn cỏ được chia sẻ bảo hiểm và các nguồn lực khác với nhà máy điện mặt trời.
Hiện đã có 470 thành viên Hiệp hội ở trên khắp nước Mỹ và diện tích dành riêng cho chăn thả năng lượng mặt trời đang bùng nổ. Ở New York, vào năm 2018 mới có khoảng 79 mẫu Anh, năm 2020 đã tăng lên 900 mẫu.
Một nông dân tham gia mô hình chăn thả gia súc + điện mặt trời cho biết: "Có rất nhiều ích lợi trong việc hợp tác để chăn thả cừu + điện mặt trời. Chúng tôi tự mình suy nghĩ về điều này và thấy đây là tương lai của nền nông nghiệp".
Mô thức này sử dụng các thiết bị phát điện gió trên biển và các lồng được lắp đặt gần đó để nuôi cá hoặc tảo. (Ảnh: Sohu).
Mô hình “nuôi cá + điện gió” ngoài khơi nổi khắp toàn cầu
Ngoài ra, mô hình phát điện cùng tồn tại với các sinh vật sống cũng đang xuất hiện trên đại dương. Mô thức này sử dụng các thiết bị phát điện gió trên biển và các lồng được lắp đặt gần đó để nuôi cá hoặc tảo.
Gần đây, một số nhà khoa học đã đề xuất: với tiền đề không ảnh hưởng đến việc bảo vệ và vận hành các bãi điện gió, thiết lập một hệ thống lồng nuôi trong phạm vi của các trang trại gió ngoài khơi để làm cho mô hình "nhà máy điện gió + chăn nuôi thủy sản" trở nên khả thi. Họ cho rằng việc biến năng lượng gió ngoài khơi và đánh bắt cá truyền thống thành hợp tác phát triển trong phạm vi một km vuông có thể giúp ngư dân chuyển sang nghề cá bền vững.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), năm 2017 có khoảng 34% trữ lượng cá trong nghề đánh bắt cá biển trên thế giới đã cạn kiệt quá nhanh khiến các loài không thể tự phục hồi và tái tạo, trong khi trữ lượng chỉ giảm 10% vào năm 1974.
Vì vậy, nhiều người cho rằng việc “công nghiệp hóa nuôi trồng thủy sản biển” này có thể giảm thiểu tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt trên đất liền và cạn kiệt nguồn cá biển, có lợi cho việc duy trì cân bằng sinh thái biển, cung cấp đủ cá biển cho con người.
Ngoài ra, vị trí biển sâu của các trang trại xa bờ được coi là một lợi thế, tránh được sự sạt lở ven biển do các trang trại nuôi cá ở vịnh và cửa sông, đồng thời giảm thiểu khả năng quần thể cá tự nhiên bị đánh bắt quá mức.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2019 thu thập các mẫu nước gần các lồng cá dưới nước ngoài khơi bờ biển Panama, kết luận rằng các trang trại ngoài khơi có thể gây ô nhiễm tương đối ít nếu được đặt ở vị trí thỏa đáng. Một nghiên cứu trước đây đã so sánh hơn 15.000 con cá ngừ vây xanh ở gần bờ và ngoài khơi, phát hiện ra rằng cá ngừ vây xanh được nuôi ngoài khơi có tỷ lệ tử vong thấp hơn và ít bị nhiễm rận biển so với nuôi gần bờ.