Gõ chữ không cần bàn phím, lái xe không cần vô lăng, liệu có thể?
Nhóm kỹ sư tại Đại học California (Mỹ) vừa phát minh một thiết bị cảm biến kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng nhận diện cử chỉ bàn tay, có tiềm năng ứng dụng trong bộ phận cơ thể giả và tương tác không chạm.
Theo trang tin công nghệ Tech Xplore, thiết bị có khả năng xác định cử chỉ của bàn tay chỉ cần thông qua tín hiệu điện ở cẳng tay. Hệ thống này bao gồm các cảm biến sinh học kết hợp AI, dự kiến sẽ được dùng để điều khiển các bộ phận cơ thể giả hoặc tương tác với bất kỳ thiết bị điện tử mà không cần chạm.
Nhóm kỹ sư tại Đại học California phát minh thiết bị nhận diện cử chỉ bàn tay thông qua tín hiệu điện ở cẳng tay - (Ảnh: ĐẠI HỌC CALIFORNIA).
Việc đọc các cử chỉ bàn tay là một cách để cải thiện tương tác giữa con người với máy tính. Thật ra có nhiều cách để làm được điều này, ví dụ như dùng camera và "thị giác máy tính", tuy nhiên thiết bị mới của nhóm kỹ sư là phương án mang đến sự riêng tư cho người sử dụng.
Thiết bị này được công bố trên tạp chí Nature Electronics vào ngày 21-12.
Để tạo hệ thống nhận diện cử chỉ bàn tay, nhóm đã thiết kế một dải băng đeo tay có thể đọc tín hiệu điện tại 64 điểm khác nhau trên cẳng tay. Tín hiệu điện sau đó được chuyển vào một con chip điện tử, được lập trình với một thuật toán AI có khả năng liên kết giữa tín hiệu điện với cử chỉ bàn tay cụ thể.
Nhóm đã dạy cho thuật toán nhận diện thành công 21 cử chỉ, bao gồm giơ ngón cái, nắm chặt bàn tay, mở thẳng bàn tay, giơ từng ngón và đếm số.
Trong tương lai gần, hệ thống này không chỉ được áp dụng vào các bộ phận giả cho người khuyết tật mà còn mở ra khả năng tương tác không chạm với nhiều thiết bị. Ta có thể tưởng tượng viễn cảnh gõ máy tính không dùng bàn phím, chơi trò chơi không dùng điều khiển cầm tay hay kể cả lái xe không cần đến vô lăng.
Tuy thiệt bị này chưa sẵn sàng tung ra thị trường nhưng nhóm kỹ sư cho biết nó chỉ cần trải qua thêm một vài đợt chỉnh sửa nữa là có thể trở thành sản phẩm thương mại.
Điểm độc đáo của thiết bị này chính là tích hợp được cảm biến sinh học, công nghệ xử lý và phiên dịch tín hiệu cùng với trí tuệ nhân tạo vào cùng một hệ thống tương đối nhỏ gọn và ít tốn năng lượng.
- Khi máy móc trong nhà bạn cũng cần... ngủ
- Phát hiện xác ướp chó sói đóng băng 56.000 năm, nguyên vẹn nhất từ trước đến nay
- Vì sao người Nga đón Giáng sinh vào tháng 1?