Hà Nội: 1.329 tỉ đồng giải cứu môi trường
Sáng 15-7, UBDN TP HN đã trình HĐND TP xem xét đề án giải cứu môi trường HN từ nay đến năm 2010. Theo đó TP sẽ dành 1.329 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách đầu tư cho các dự án xử lý ô nhiễm, trong đó, 1.019 tỉ đồng triển khai tám dự án xử lý ô nhiễm và 310 tỷ dành cho các dự án khu xử lý chất thải rắn tập trung cấp huyện.
Ô nhiễm quá mức
Theo đánh giá của phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, ba vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất của Hà Nội hiện nay là: ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm không khí do bụi, ô nhiễm do chất thải rắn. Kết quả quan trắc trong sáu tháng đầu năm 2009 cho thấy tại 250 điểm đo kiểm có tới 180 điểm có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép (72%). Lượng bụi tại trục đường Nguyễn Trãi vượt tiêu chuẩn 11 lần, đường Nguyễn Văn Linh vượt 10,8 lần… Ô nhiễm không khí do khí thải giao thông cũng đang ở mức đáng báo động với 30/34 ngã tư có nồng độ SO2, NO2, C6H6 vượt tiêu chuẩn cho phép.
UBND TP cho biết nước thải các cơ sở công nghiệp nằm phân tán mới chỉ xử lý được 20-30%, chỉ có 8/48 bệnh viện và trung tâm y tế do TP quản lý có hệ thống xử lý nước thải. Đáng kinh ngạc hơn khi toàn TP có tới 1.310 làng có nghề “nói không” với hoạt động xử lý nước thải. Đó là chưa kể đến các sông, ao hồ đang bị bức tử bởi hàng ngàn mét khối nước thải mỗi ngày chưa qua xử lý, được xả ồ ạt ra các miệng cống.
![]() |
Nhiều con sông của HN chỉ có duy nhất một màu đen do nước thải ô nhiễm thải xuống suốt ngày đêm (ảnh chụp tại sông Nhuệ-HN) - (Ảnh: Xuân Long) |
Sở Tài nguyên - môi trường TP cho biết trong số những con sông của HN, sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ… gần như chỉ có màu đen và trở thành những con sông ô nhiễm nặng nhất. Các hồ gần khu vực dân cư như hồ Đống Đa, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Nhàn đều có lượng coliform vượt tiêu chuẩn cho phép 100-200 lần. Vào mùa khô, lượng coliform còn vượt tiêu chuẩn ở mức kỷ lục, trên 700 lần so với chỉ tiêu cho phép.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TN-MT Hà Nội, lượng chất thải rắn công nghiệp mỗi ngày HN thải ra khoảng 750 tấn, 85-90% số này được thu gom nhưng chỉ xử lý được 60% số lượng thu gom được. Tuy nhiên, những bãi chôn lấp rác trên địa bàn TP hiện nay cũng đang ở cấp báo động, cuối năm 2009, khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây) không còn chỗ trống và khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn cũng được lấp đầy vào năm 2011.
Ưu tiên vùng ô nhiễm nặng
Theo lãnh đạo UBND TP.HN, đề án về xử lý ô nhiễm môi trường đến 2010 là một trong những giải pháp cấp bách vì không thể để môi trường trên địa bàn TP ô nhiễm nặng hơn nữa. Tuy nhiên, để có được số tiền 1.329 tỉ đồng triển khai các dự án, TP cần phải được HĐND TP chấp thuận và việc này đang được trình HĐND xem xét.
Theo phó chủ tịch UBND TP.HN Vũ Hồng Khanh, khi đề án này được duyệt, những khu vực ô nhiễm nặng sẽ được ưu tiên xử lý trước, đồng thời xây dựng thêm các điểm xử lý rác thải rắn, quản lý chất rắn nguy hại trong y tế và công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường trên các tuyến sông.
Ông Khanh cho biết trước mắt TP sẽ mở rộng các khu xử lý chất thải rắn như Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây), xây dựng một số nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ tiên tiến. Đối với sông Tô Lịch, sẽ đầu tư dự án cải tạo thí điểm 1km đầu nguồn với mục tiêu đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Theo đó, dự án này sẽ theo nguyên tắc tách và thu gom nước thải hai bên sông, xây dựng trạm xử lý quy mô nhỏ và nước sau khi qua xử lý mới được xả xuống sông.
Đối với những tuyến sông ô nhiễm khác, TP khẳng định sẽ thực hiện đồng loạt các dự án xử lý, nạo vét và xây dựng thí điểm trạm xử lý nước thải cục bộ tại các cửa xả. Còn đối với hệ thống hồ, ngay trong năm 2009 TP sẽ triển khai thử nghiệm một số phương án xử lý giảm thiểu ô nhiễm bảy hồ và tiếp tục xử lý ô nhiễm tại 26 hồ còn lại trong năm 2010. Theo UBND TP.HN, cũng trong giai đoạn 2009-1010 thành phố sẽ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại 12 bệnh viện và trung tâm y tế.

Vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Khí hậu nước ta rất độc đáo: khí hậu nóng nhưng không khô hạn như Tây Nam Á, Bắc Phi. Nóng ẩm nhưng không nóng ẩm quanh năm như các quần đảo ở Đông Nam Á.

6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có vào mùa đông
Sấm tuyết, hoa sương đá, sương băng cứng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đến không ngờ.

Ngày xưa ông cha ta tránh bão như thế nào?
Do không có phương tiện dự báo thời tiết nên cha ông ta nhận biết dấu hiệu của bão bằng cách quan sát tự nhiên.

7 điều ít biết về cầu vồng
Hai người cùng quan sát không thể nhìn thấy sắc màu giống nhau từ cùng một chiếc cầu vồng hay có thể dùng kính phân cực để làm "cầu vồng" biến mất, là hai trong số nhiều điều thú vị về hiện tượng thiên nhiên đẹp mắt này.

Lý giải hiện tượng cầu vồng trắng
Cầu vồng trắng được tạo ra khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào những giọt nước nhỏ trong lớp sương mù ở góc độ phù hợp.

Ol Doinyo Lengai - Ngọn núi lửa độc đáo nhất thế giới
Không có những đợt phun trào đỏ ngầu dung nham, ngọn núi lửa Ol Doinyo Lengai ở châu Phi lại tuôn trào dòng nham thạch đen ấn tượng.
