Hành tinh Vulcan trong phim Star Trek có thật, là siêu Trái đất!

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện một siêu trái đất quay quanh ngôi sao 40 Eridani A, đúng vị trí mà trong phim Star Trek, hành tinh người ngoài trái đất Vulcan tồn tại.

Bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Star Trek có một trong các nhân vật chính là người ngoài hành tinh Spock, đến từ hành tinh mang tên Vulcan - một thiên thể giả tưởng xoay quanh ngôi sao có thật là 40 Eridani A.

40 Eridani A còn có tên khác là Keid hay HD 26965, là một ngôi sao sáng thuộc chòm Eridanus, có thể nhìn thấy từ trái đất bằng mắt thường. Ngôi sao này có màu hơi cam, nhỏ và mát hơn so với mặt trời của chúng ta nhưng có tuổi đời tương đương và một số tính chất tương tự.


Cận cảnh "hành tinh Vulcan" vừa được phát hiện - (ảnh đồ họa của Don Davis).

Gần 4 thập kỷ sau loạt phim Star Trek đầu tiên ra đời (1979), các kính viễn vọng hiện đại đã giúp con người tìm ra sự thật về Vulcan. Nhờ vào hệ thống săn lùng hành tinh hiện đại Dharma Planet Survey, nhóm khoa học gia đến từ Đại học Florida và Đại học Tennessee (Mỹ) đã phát hiện bóng dáng một hành tinh có kích thước gấp đôi Trái đất quay quanh ngôi sao này, tức nằm đúng vị trí của hành tinh Vulcan.

Một năm trên hành tinh này dài bằng 42 ngày trên trái đất và đến đứng trên "Vulcan", người ta có thể quan sát thấy hai ngôi sao anh em của 40 Eridani A.

Nhóm nghiên cứu cho biết đây cũng là siêu Trái đất đầu tiên mà hệ thống Dharma Planet Survey phát hiện được. Hiện họ đang tiếp tục nghiên cứu về hành tinh này để xét đến các yếu tố hỗ trợ sự sống mà nó có thể có.

Siêu Trái đất – hành tinh Vulcan phiên bản đời thực – có khoảng cách khá gần với ngôi sao mẹ, nên các nhà khoa học lo lắng rằng nó sẽ khá khó để sống, bởi nhiệt độ cao khiến nước khó tồn tại ở thể lỏng. Tuy nhiên, vì ngôi sao mẹ của nó khá giống mặt trời nên không loại trừ khả năng một dạng cư dân Vulcan rất khác biệt so với gì chúng ta tưởng tượng có thể đang sống ở đó.

Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên arXiv.org và dự kiến sẽ được xuất bản chính thức vào tháng tới trong tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất