Hé lộ bí ẩn tượng trên đảo Phục Sinh
Không như quan niệm sai lầm lâu nay, thông tin mới cho thấy các bức tượng trên đảo Phục Sinh đủ phần đầu và thân, theo dự án khảo cổ được thực hiện tại đây.
Theo một thư điện tử đang được lan truyền trên internet mấy tuần gần đây, những bức tượng bí ẩn trên đảo Phục Sinh thực chất có cả thân thể, chứ không phải trơ trụi với phần đầu to tướng như người ta vẫn tưởng. Nội dung thư còn nói rõ các nhà khảo cổ học hiện khai quật dần những phần thân thể của các bức tượng, vốn bị chôn vùi sau hơn 500 năm xói mòn.
Những ai quan tâm đến hiện tượng huyền bí trên hòn đảo Thái Bình Dương bất giác rơi vào tình trạng nửa tin nửa ngờ. Liệu thông tin trên có thật hay không, và nếu một cái đầu đã cao trung bình 4 m, nặng đến 14 tấn thì phần thân phải lớn đến cỡ nào?
Tượng đá bí ẩn trên đảo Phục Sinh
Hóa ra số người tìm kiếm câu trả lời không phải là ít và họ đổ xô đến website chính của dự án khai quật đã được đề cập trong thư. “Chúng tôi chứng kiến hơn 3 triệu lượt truy cập và hiện trang chủ đã bị sập”, Jo Anne Van Tilburg, Giám đốc Dự án tượng đảo Phục Sinh nói. Nhóm của bà đã đào bới được 2 phần thân bị chôn vùi từ năm 2010.
Những bức ảnh chụp lại quá trình khai quật được tải lên website http://www.eisp.org/ cách đây 4 tháng, cùng các hình ảnh cũ hơn ghi lại các bức tượng nguyên vẹn đầu và thân từng được tìm thấy vào những năm 1950. “Lý do khiến mọi người cho rằng các bức tượng trên đảo Phục Sinh chỉ có phần đầu vì khoảng 150 bức tượng đã bị chôn đến vai hoặc cổ trong lớp tro bụi từ núi lửa”, theo chuyên gia Van Tilburg, nghiên cứu sinh của Đại học California tại Los Angeles. Đây cũng là khu vực nổi tiếng nhất, đẹp nhất và được chụp ảnh nhiều nhất tại hòn đảo bí ẩn. Tổng cộng có gần 1.000 tượng trên đảo Phục Sinh.
Trên thực tế, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu các bức tượng trên hòn đảo này từ khoảng 1 thế kỷ qua, và tất nhiên họ biết được sự tồn tại của các phần thân ấn tượng kể từ khi cuộc khảo cổ đầu tiên được tiến hành vào năm 1914. Các bức tượng, được người bản xứ gọi là “moai”, đã được tạc từ đá núi lửa vào khoảng năm 1100 đến 1500 theo người Polynesia cổ đại. Chúng được xếp theo kích thước, với bức tượng cao nhất phải đến 10m.
Dù sự tồn tại của chúng vẫn còn là một bí ẩn, các “moai” được cho là đại diện của tổ tiên thổ dân bản xứ. Người xưa có thể đã tạc tượng mới mỗi lần một thủ lĩnh của bộ lạc qua đời, theo suy đoán của chuyên gia Van Tilburg. Dự án mới được thực hiện với mục tiêu ghi lại những hình khắc trên thân tượng, đồng thời cho phép giới chuyên gia tìm cách bảo quản những khối đá khổng lồ này.