Hé lộ nguyên nhân bí ẩn của "Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh"

Các nhà khoa học tại Đại học Texas Southwestern (Mỹ) công bố bí ẩn về nguyên nhân gây ra "Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh", khép lại những tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về căn bệnh này.

"Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh" hay "Bệnh chiến tranh vùng Vịnh" (GWI) là căn bệnh mãn tính nhiều triệu chứng, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn cựu chiến binh Mỹ đã chiến đấu trong chiến tranh vùng Vịnh đẫm máu năm 1990.

Các triệu chứng có thể khác nhau, bao gồm mệt mỏi, đau cơ, "sương mù não", các vấn đề về trí nhớ, các vấn đề về nhận thức, mất ngủ, phát ban và tiêu chảy.

Tuy nhiên nhiều thập kỷ qua, nguyên nhân cơ bản của hội chứng được các nhà khoa học khắp nơi tranh luận gay gắt, với những lời giải thích khác nhau. 


Cuộc chiến vùng Vịnh diễn ra vào tháng 8-1990 - (Ảnh: IFLSCIENCE)

Các nguyên nhân đưa ra bao gồm từ khí thải của các vụ cháy giếng dầu đến việc tiếp xúc với uranium đã cạn kiệt hoặc do PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), vũ khí sinh học, hóa học. Một số người thậm chí còn cho rằng nó có thể liên quan đến một loại vắc xin được tiêm cho binh lính.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives, các nhà khoa học tại Đại học Texas (UT.) Southwestern đã nghiên cứu 508 cựu chiến binh mắc "Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh" và 508 cựu chiến binh không mắc bệnh. Cuối cùng họ phát hiện ra những người tiếp xúc với chất độc thần kinh sarin có khả năng mắc bệnh cao hơn đáng kể.

Để chứng minh thêm cho giả thuyết của mình, các nhà khoa học đã nghiên cứu gene PON1 (gene mã hóa protein), có vai trò quan trọng trong việc phá vỡ việc dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. Họ phát hiện các cựu chiến binh có các biến thể kém hiệu quả hơn của gene PON1 có nhiều khả năng bị bệnh hơn. Biến thể càng yếu, hội chứng càng phổ biến.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Robert Haley, giáo sư nội khoa kiêm giám đốc khoa dịch tễ học tại UT Southwestern, trả lời trang tin khoa học IFLScience: "Không có yếu tố rủi ro nào khác hơn bằng chứng nhân quả của khí sarin tác động lên Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh".

Khí sarin là một chất hóa học do con người tạo ra, không mùi, không màu, không vị. Do có hiệu lực như một chất độc thần kinh, nó được sử dụng như một vũ khí hóa học.

Một vụ án khét tiếng năm 1995 ở Nhật Bản, khi giáo phái Ngày tận thế của Aum Shinrikyo thả khí sarin trên hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Hành động này khiến 13 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương và di chứng kéo dài đến hôm nay. 6 người của giáo phái Ngày tận thế bị tòa án tuyên tử hình.

Các nghiên cứu mới nhất này sẽ giúp cung cấp thông tin nghiên cứu sâu hơn về hoàn cảnh của các cựu chiến binh trong chiến tranh vùng Vịnh. Nhiều người trong số họ vẫn phải chịu đựng căn bệnh cho đến ngày nay mà không được giúp đỡ.

Tiến sĩ Haley giải thích: "Vẫn còn hơn 100.000 cựu chiến binh chiến tranh vùng Vịnh không được giúp đỡ vì căn bệnh này. Hy vọng của chúng tôi là những phát hiện này sẽ thúc đẩy quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị tốt hơn".

Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư bắt đầu vào tháng 8-1990 sau khi nhà lãnh đạo Iraq, ông Saddam Hussein, xâm lược láng giềng Kuwait giàu dầu mỏ, để trả các khoản nợ của đất nước từ chiến tranh Iran - Iraq.

Động thái này đã vấp phải sự lên án của quốc tế, cuối cùng dẫn đến việc Mỹ, Anh và các quốc gia khác phát động một cuộc xung đột quân sự chống lại Iraq.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất