Hiểm họa khi dùng kháng sinh bừa bãi chữa viêm họng
Sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ gây tình trạng kháng kháng sinh, làm gia tăng tỷ lệ tử vong trong các thủ thuật y tế thông thường.
Nghiên cứu mới được Hiệp hội Nhiễm trùng Đường hô hấp Toàn cầu (GRIP) công bố trong Tuần lễ Nhận thức về Kháng sinh cho thấy, người dân trên toàn cầu có mức độ phụ thuộc kháng sinh cao, đặc biệt khi điều trị các bệnh hô hấp thông thường như viêm họng.
Các nhà khoa học cho biết có rất nhiều hiểu lầm về điều trị viêm họng dẫn đến lạm dụng kháng sinh. Một số người không phân biệt được bệnh viêm họng do vi khuẩn và virus, dẫn đến sử dụng kháng sinh bừa bãi. Tình trạng này khiến một số vi khuẩn trở nên kháng thuốc, còn được gọi là kháng kháng sinh, hiện là mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu.
"Chúng ta đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng quan trọng, đe dọa tính mạng mà trước đây có thể chữa khỏi", tiến sĩ Martin Duerden, cố vấn y tế tại Đại học Cardiff ở Wales, người đại diện của GRIP, cho biết, hôm 27/12.
Điều này có nghĩa các quy trình từng được coi là an toàn trong quá khứ như phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật tim, chăm sóc trẻ sơ sinh, sinh con và mổ lấy thai đã trở nên rủi ro hơn nhiều. Việc phát triển các loại thuốc kháng sinh mới không theo kịp tốc độ thích nghi của vi khuẩn.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy người dân tìm đến kháng sinh ngay khi có các biểu hiện nhẹ như viêm họng chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo lắng.
Nhiều người tự ý mua kháng sinh uống chữa viêm họng dù bệnh do virus gây nên. (Ảnh: Freepik)
Các nhà khoa học đã khảo sát 12.000 người tại 12 quốc gia, tuổi từ 18 đến 64, từng điều trị các loại bệnh về đường hô hấp trong 6 tháng qua. Hơn một nửa số tình nguyện viên cho biết họ đã dùng kháng sinh dù chỉ mắc bệnh nhẹ như đau họng. Thói quen này đặc biệt phổ biến ở người dưới 35 tuổi. 45% người trong độ tuổi này cho hay họ không biết cách nào khác để điều trị viêm họng ngoài kháng sinh.
"Công trình này nhấn mạnh cần cải thiện nhận thức về việc sử dụng kháng sinh ở nhiều quốc gia, rằng kháng sinh phải được coi là nguồn tài nguyên khan hiếm, quan trọng và chỉ được sử dụng cho bệnh nhân gặp tình trạng nhiễm trùng nặng", tiến sĩ Duerden cho biết. Theo ông, khoảng 90% ca viêm họng sẽ tự khỏi mà không cần sử dụng kháng sinh.
Kháng kháng sinh là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết quốc gia. Phân tích về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy trong năm 2019, thế giới có khoảng 4,95 triệu ca tử vong liên quan đến kháng kháng sinh. 1,27 triệu ca tử vong trực tiếp do không còn kháng sinh hiệu quả.
Tỷ lệ này cao nhất ở châu Phi cận Sahara, Nam Á và Đông Âu. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng đây là một vấn đề toàn cầu đang gia tăng, nhưng đặc biệt tràn lan ở Trung Quốc.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới, 1/3 số thuốc kháng sinh sử dụng ở nước ta được cho là "không phù hợp", dẫn đến kháng thuốc. Thông tin được các chuyên gia nêu tại một hội thảo đầu tháng 11.
Theo ông Duerden, người trẻ có xu hướng lạm dụng kháng sinh vì họ không hiểu rằng hầu hết bệnh nghiêm trọng là do virus gây ra, chỉ một số ít do vi khuẩn. Cả hai loại viêm họng thông thường đều có thể tự khỏi trong một tuần nhờ vào hệ miễn dịch.
- Những vụ cuồng loạn hàng loạt "Mass Hysteria" bí ẩn nhất trong lịch sử loài người
- Những loài hoa "trăm năm mới nở" một lần: Có loài mọc đầy ở Việt Nam!
- Hồ Baikal rõ ràng là hồ nước ngọt, cách đại dương hơn 2000km, tại sao lại có sinh vật biển?