Hổ đứng đầu danh sách bị đe dọa năm Canh Dần
Số lượng hổ giảm tới 95% trong vòng một thế kỷ qua và hiện nay chỉ còn khoảng 3.200 con còn sống trên hành tinh. Vì thế trong năm nay, hổ sẽ đứng hàng đầu trong danh sách những loài cần được bảo vệ.
Theo Telegraph, những nỗ lực ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài hổ sẽ được đẩy mạnh trong năm 2010 sau khi Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đưa hổ vào vị trí hàng đầu trong danh sách những loài động vật bị đe dọa. Số lượng hổ trên thế giới giảm 95% trong vòng 100 năm qua. Tương lai của những con còn sống bị đe dọa bởi nạn săn trộm, tình trạng phá rừng và biến đổi khí hậu.
WWF tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động tuần tra và phối hợp với chính phủ các nước để ngăn chặn nạn săn bắn hổ và buôn bán trái phép các bộ phận của chúng. Việc tăng cường trách nhiệm của người dân trong việc quản lý rừng cũng sẽ được thúc đẩy. WWF sẽ đền bù thỏa đáng cho những nông dân bị mất gia súc bởi hổ để họ không tìm cách hạ sát chúng.
Các nhà bảo tồn thiên nhiên cho rằng thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ. Ảnh: Telegraph.
Diane Walkington, giám đốc chương trình bảo vệ các loài sinh vật của WWF tại Anh, phát biểu: "Người dân Trung Quốc gọi 2010 là năm con hổ. Vì thế chúng tôi quyết định đưa hổ lên vị trí đầu tiên trong danh sách 10 loài động vật cần được bảo vệ. Tất nhiên, thế giới có vài nghìn loài đang gặp nguy hiểm, song chúng tôi cần chọn một loài cụ thể để thu hút sự chú ý của dư luận".
Theo Walkington, nếu muốn cứu hổ, con người phải bảo vệ sinh cảnh sống của chúng. Nhưng sinh cảnh sống của hổ cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật khác.
"Vì thế, nếu có chiến lược đúng đắn và cứu được loài hổ, chúng ta cũng sẽ bảo vệ được nhiều loài đang bị đe dọa khác", Walkington nhận xét.
Số lượng hổ giảm mạnh trong thế kỷ qua do nhiều hoạt động của con người. Da hổ được coi là món hàng quý giá tại nhiều quốc gia. Vì thế mà những kẻ săn trộm ráo riết săn lùng hổ để lấy da. Nhiều người muốn mua các bộ phận khác trên cơ thể hổ để làm thuốc. Những kẻ săn trộm cũng hạ sát nhiều loài động vật vốn là con mồi của hổ. Tình trạng đó khiến nguồn cung cấp thức ăn của chúng giảm, buộc chúng phải tấn công gia súc của nông dân để ăn.
Diện tích rừng ngày càng thu hẹp do con người phá rừng để sản xuất nông nghiệp và làm đường. Vì thế hổ đang bị dồn vào những khu rừng nhỏ hơn, nơi số phận của chúng trở nên mong manh hơn.
Biến đổi khí hậu cũng là một hiểm họa với hổ. Chẳng hạn, rừng đước khổng lồ thuộc quần đảo Sunderbans (kéo dài từ Ấn Độ tới Bangladesh) là nơi sinh sống 70% loài hổ Bengal. Nhưng trong vòng 50 năm tới, 70% diện tích rừng đước có thể biến mất do nước biển dâng.