Hổ ở Indonesia mắc bệnh trầm trọng
Các loài hổ trong sở thú Surabaya, Indonesia, đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh do điều kiện chăm sóc và y tế nghèo nàn của nơi này.
Một con hổ Sumatra có tên Melani bị mắc chứng rối loạn tiêu hóa không thể chẩn đoán trong 5 năm qua. Cân nặng của nó giảm từ 75kg xuống dưới 60kg. Mắt của nó lõm sâu và chỉ còn thấy "da bọc xương". Căn bệnh của Melani là hậu quả của điều kiện chăm sóc và dinh dưỡng nghèo nàn của sở thú.
Hổ Melani bị mắc bệnh đường tiêu hóa trong 5 năm đang được nhân viên cho ăn. (Ảnh: AP)
Tony Sumampouw, chủ tịch Hiệp hội sở thú Indonesia cho rằng, nên bỏ đói để con hổ Melani chết nhẹ nhàng. "Tôi nghĩ việc bỏ đói đến chết là cách tốt nhất chấm dứt sự đau đớn của nó, vì bệnh của nó rất khó chữa", Phys.org dẫn lời ông Tony Sumampouw nói.
Melani là một trong 10 con hổ Sumatra còn lại trong sở thú sau cái chết vào hai tuần trước của Rozek, một con hổ đực khác. Rozek mắc phải bệnh đường tiêu hóa 4 năm.
Nguyên nhân thực sự của căn bệnh mà các con hổ ở sở thú Surabaya mắc phải vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, sự thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men khiến bác sĩ không thể khám cho các con hổ.
Nhiều con hổ Sumatra trong quá trình chuẩn bị gây giống bị nhốt trong những cái lồng bẩn thỉu và chật chội. Tất cả chúng hiện đều khỏe mạnh nhưng chúng hoàn toàn có khả năng bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia bảo tồn đang kêu gọi chính phủ và chính quyền sở thú thực hiện những biện pháp an toàn nhằm bảo vệ các loài thú vật nơi này.
Hổ Sumatra là loài hổ cuối cùng ở Indonesia. Hai loài hổ khác ở Bali và Java đã tuyệt chủng trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước. Theo số liệu thống kê, số lượng hổ Sumatra ngày càng suy giảm, hiện chỉ còn khoảng 400 con. Loài này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ trên thị trường.