Hóa ra động vật có sừng khi húc nhau cũng bị... chấn thương sọ não
Khi xem những trận đấu bằng đầu giữa động vật có sừng như bò xạ hương hoặc cừu sừng lớn, chúng ta thường nghĩ rằng dù thắng hay thua thì những cái đầu đó vẫn sẽ không hề hấn gì. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy chúng vẫn bị thương và có thể bị chấn động hoặc chấn thương đầu nghiêm trọng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Acta Neuropathologica không chỉ phá vỡ niềm tin bấy lâu nay của chúng ta, mà còn là cơ sở kiến thức để đào sâu những chấn thương tương tự ở người.
Động vật cũng bị chấn thương sọ não như con người
Nicole Ackermans, Tiến sĩ, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Icahn Mount Sinai kiêm trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Tử vong và tàn tật do chấn thương sọ não là một vấn đề phổ biến ngày nay và tỷ lệ chữa trị thành công còn thấp. Nếu biết được động vật cũng bị chấn thương sọ não như con người, ta có thể mở rộng nguồn tài liệu nghiên cứu về loại chấn thương này, qua đó nâng cao khả năng chữa trị”.
Ackermans và các đồng nghiệp của bà tiến hành nghiên cứu não của 3 con bò xạ hương đã chết ở Greenland và 4 con cừu sừng lớn, được lấy từ các công viên ở Colorado, Utah và Vườn thú Buffalo ở New York.
Họ lựa chọn hai loài này để nghiên cứu vì chúng nổi tiếng với các trận chiến dùng đầu vô cùng dữ dội, thường xảy ra trong các nghi lễ giao phối hoặc phân cấp bầy đàn. Ví dụ, bò xạ hương đực thường đạt tốc độ lên tới 50km một giờ trước khi va chạm. Mặc dù đã có một vài nghiên cứu về triệu chứng chấn thương sọ não (TBI) ở chúng, như choáng váng, nhưng không có nghiên cứu nào trực tiếp kiểm tra xem não sau các cuộc chiến.
Một lý do khác là động vật thuộc họ trâu bò - chẳng hạn như bò, cừu, trâu, bò tót và những động vật trong nghiên cứu - có não dạng gấp, giống với con người.
Patrick R. Hof, MD, giáo sư khoa học thần kinh tại Icahn Mount Sinai và là tác giả cao cấp của nghiên cứu cho biết: “Phòng thí nghiệm của chúng tôi cố gắng sử dụng quá trình tiến hóa để giải đáp những bí ẩn y học. Một trong những khó khăn của nghiên cứu TBI là hầu hết chúng được thử nghiệm với não của loài gặm nhấm. Nếu được nghiên cứu trên một cấu trúc não tương tự con người như họ trâu bò, kết quả có lẽ sẽ khả quan hơn”.
Dấu hiệu TBI xuất hiện dưới kính hiển vi sau khi đã xử lý với kháng thể
Sau đó, nhóm đã có cơ hội tiếp cận với não của 2 loài được đề cập ở trên. Để tìm kiếm các dấu hiệu của tổn thương TBI, các nhà nghiên cứu đã cắt não thành từng lát mỏng và xử lý lát cắt với kháng thể được chế tạo để phát hiện protein phosphorylated tau, chất được tìm thấy ở não người và chuột bị bệnh Alzheimer hoặc TBI, bao gồm chấn thương mãn tính (CTE).
Khi quan sát dưới kính hiển vi, họ nhận thấy kháng thể nhuộm não bò xạ hương ở mức dễ phát hiện, trong khi não cừu sừng lớn có mức nhuộm nhẹ hơn, có thể phát hiện được bằng một loại kháng thể khác. Xử lý nhuộm là phương pháp làm cho tiêu bản có màu, nổi lên trên nền.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy kết quả. Một trong những thách thức lớn của loại nghiên cứu này là chúng tôi không biết kháng thể hoạt động trên người và động vật gặm nhấm có hiệu quả với loài khác không. Việc tìm ra đúng loại kháng thể giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu, nó chứng minh rằng não của cá thể thí nghiệm đã bị TBI tác động”, Ackermans nói.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy vỏ não trước trán của chồn hương có mức độ tập trung protein tau cao hơn, đặc biệt là bề mặt vỏ não.
“Kiểu tập trung này thường xuất hiện ở bệnh nhân bị CTE. Não của chúng có thể đã trải qua tổn thương mãn tính, lặp đi lặp lại, dấu hiệu thường thấy ở một số bệnh nhân TBI”, Tiến sĩ Ackermans nói.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một điểm kỳ lạ, một con bò chồn hương cái già có mức độ nhuộm nhiều hơn - khoảng 20 lần - so với con đực lớn tuổi hơn và nhuộm màu nhiều hơn 5 lần so với các con cái khác. Phát hiện trên đi ngược lại với lập luận của các nhà khoa học rằng tỷ lệ TBI ở con đực luôn cao hơn vì chúng thường phải tranh đấu. Họ nghi ngờ đó là do khác biệt trong giải phẫu hộp sọ.
Tại sao não chồn hương cái lại bị tổn thương nhiều hơn con đực? Tại sao não của cừu sừng lớn lại ít bị tổn thương hơn? Liệu có thể khai thác kiến thức từ những con vật này để phát triển phương pháp điều trị TBI ở người? Đây là những câu hỏi mà khoa học cần tìm ra lời giải trước khi bắt đầu chữa trị chấn thương trên não người.
- Thật bất ngờ, giờ đây loài khỉ Nhật Bản đã biết cưỡi hươu!
- Liệu trên đời có căn bệnh nào mang tên "Ung thư tim"?
- Cô giao bài tập về nhà, học sinh làm ngay thiết bị lọc nước giá chỉ 23.000 đồng