Hóa thạch 252 triệu năm hé lộ bọ cạp biển khổng lồ cực đáng sợ
Các nhà nghiên cứu điều tra một hóa thạch đặc biệt ở Queensland và nhận ra nó thuộc nhóm động vật ăn thịt đáng sợ đã tuyệt chủng từ lâu.
Trong báo cáo hôm 18/2, Bảo tàng Queensland nhấn mạnh đây là một phát hiện loài hoàn toàn mới. Sinh vật được đặt tên Woodwardopterus freemanorum dài tới 1m, khiến nó trở thành một trong những loài bọ cạp biển (Eurypterida) lớn nhất từng được biết đến.
Mô phỏng bọ cạp biển Woodwardopterus freemanorum. (Ảnh: Alison Douglas).
Eurypterida xuất hiện trên Trái Đất từ rất sớm, cách đây tới 467,3 triệu năm, và phát triển mạnh mẽ trong một thời gian dài trước khi tuyệt chủng vào kỷ Permi khoảng 251,9 triệu năm trước.
Mặc dù có tên gọi là "bọ cạp biển", chỉ những loài Eurypterida sớm nhất mới sinh sống dưới đại dương. Những loài về sau chuyển hoàn toàn sang môi trường nước lợ hoặc nước ngọt. Woodwardopterus freemanorum là một ví dụ khi sống trong các sông và hồ nước ngọt xung quanh khu vực là thị trấn Theodore của Australia ngày nay.
Tác giả chính của nghiên cứu Markus Poschmann đã phân tích hóa thạch ở Bảo tàng Queensland và xác định nó có niên đại cách đây 252 triệu năm, rất gần với thời điểm tuyệt chủng của bộ Bọ cạp biển.
"Phát hiện mới giúp lấp đầy khoảng trống trong hiểu biết của chúng ta về nhóm động vật tiền sử này ở Australia và trên toàn thế giới", đồng tác giả của nghiên cứu Andrew Rozefelds, người phụ trách chính về khoa học địa chất của Bảo tàng Queensland, chia sẻ.
Bọ cạp biển có họ hàng với bọ cạp hiện đại và các loài khác thuộc lớp Hình nhện. Mẫu vật được tìm thấy ở Theodore là động vật ăn thịt đầu bảng trong môi trường sống của nó vào thời điểm đó.
- Xác ướp 450 năm ôm khư khư một bức thư cũ nát, nội dung bên trong khiến hậu thế lặng người xót xa
- Bằng chứng khảo cổ hé lộ nghi thức hiến tế khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại
- Ngôi làng "ma" ghê rợn nổi lên giữa biên giới Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha