Hóa thạch khủng long đáng giá bao nhiêu tiền?
Hàng triệu năm sau khi loài khủng long thống trị Trái đất, những bộ xương của chúng trở thành hóa thạch và được con người tìm kiếm gắt gao để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, nhưng cũng có những người trở thành thợ săn hóa thạch và tìm kiếm chúng để buôn bán, đấu giá.
Thứ tư vừa rồi, một bộ xương hóa thạch khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex khổng lồ đã được ra mắt công chúng ở Thụy Sĩ và vào tháng sau, nó sẽ được đem đi đấu giá.
Bộ xương hóa thạch khổng lồ này có tên TRX-293 Trinity, dự kiến sẽ được đem đấu giá ở Zurich vào ngày 18/4 và có giá khởi điểm là 5,43 triệu USD.
Bộ xương hóa thạch này cao 3,9 mét và dài 11,6 mét, đây là bộ xương T-Rex thứ ba trên toàn thế giới được đưa ra đấu giá và là bộ đầu tiên ở châu Âu.
"Tên của bộ xương này là "Trinity", bởi vì nó được tạo ra từ 3 cá thể khác nhau và tất cả đều được tìm thấy ở Mỹ", Cyril Koller, chủ sở hữu của nhà đấu giá tiến hành cuộc mua bán, cho biết.
Phần còn lại của tên bắt nguồn từ 293 xương trong bộ xương của nó.
Koller nghĩ rằng một cá nhân cụ thể sẽ không có khả năng mua được bộ xương hóa thạch này, mặc dù ông chắc chắn rằng công chúng vẫn sẽ được xem nó trong tương lai.
Hans-Jakob Siber, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khủng long Aathal ở Thụy Sĩ, cho biết những phát hiện về hóa thạch T-Rex là cực kỳ hiếm.
"Bộ xương hoàn chỉnh như thế này là cực kỳ hiếm có", Siber nói với Reuters. "Trên thực tế, cho đến khoảng năm 1970 hoặc 1980, nhân loại mới chỉ phát hiện ra hóa thạch của chưa tới 10 con khủng long bạo chúa, nhưng hầu hết chúng đều đã có mặt trong các bảo tàng của Hoa Kỳ".
Hầu như tất cả các hóa thạch của loài T-Rex đều được lưu giữ trong các viện bảo tàng, do đó, mỗi khi có một bộ hóa thạch được giao bán ra bên ngoài, nó sẽ thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng.
Hai chiếc T-Rex khác được phát hiện ở Bắc Mỹ - có tên là Sue và Stan - hóa thạch khủng long bạo chúa tên Sue, được bán cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở thành phố Chicago vào tháng 10 năm 1997 với giá 8,4 triệu USD; Trong khi đó hóa thạch khủng long bạo chúa T-Rex hoàn chỉnh nhất thế giới có tên Stan đã được Công ty đấu giá Christie's ở thành phố New York (Mỹ) bán với giá kỷ lục 31,8 triệu USD (hơn 733 tỉ đồng).
Hóa thạch hình thành như thế nào?
Hóa thạch chỉ hình thành trong điều kiện rất cụ thể, đó có thể là cacbon hóa, đông lạnh, ở trong đá hoặc bọc trong một chất như nhựa hoặc màu hổ phách. Mà những điều kiện này không hề dễ dàng có được ở khắp mọi nơi và mọi thời kỳ.
Vì lý do này, chỉ có một phần nhỏ của các sinh vật đã tồn tại trên Trái đất xuất hiện trong các mẫu hóa thạch. Chưa kể phần lớn các mẫu hóa thạch còn không hoàn hảo, tuy rằng hiện tại chúng ta đã có những chương trình hiện đại để tái tạo, nhưng chúng cũng không hoàn toàn sát thực. Vì vậy tuy rằng việc nghiên cứu là rất quan trọng nhưng nó cũng rất khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức.
Hóa thạch chỉ hình thành trong điều kiện rất cụ thể.
Những kiến thức về hóa thạch rất rộng và đòi hỏi những hiểu biết về địa chất, trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về địa chất Trái đất và những ảnh hưởng của nó tới việc hình thành hóa thạch.
Trái đất vận động thường xuyên, từ từ và có sự tách biệt các lục địa, các vận động nội chất ở bên trong. Tất cả các hoạt động này sẽ tác động đẩy lớp mới của đất đá bao phủ lên bề mặt cũ. Đây là lý do tại sao một số tảng đá có lớp, xuất hiện các đường sọc dọc hoặc xoáy thay vì lớp ngang.
Nó cũng là lý do tại sao đá cùng độ tuổi có thể được tìm thấy trong nhiều nơi khác nhau trên thế giới (do sự chuyển động của bề mặt Trái đất đã kiến tạo địa chất từ nơi này đến nơi khác). Chúng ta có thể thấy được hai điểm quan trọng để hiểu về hóa thạch.
Một là đá trầm tích tạo nên bề mặt Trái đất.
Hai là quá trình vận động của Trái đất có tác động lớn đến việc nơi khối đá trầm tích xuất hiện cũng như cách các sinh vật bị ảnh hưởng trong quá trình vận động lục địa.
Chỉ có một phần nhỏ của các sinh vật đã tồn tại trên Trái đất xuất hiện trong hóa thạch.
Một sinh vật có thể hình thành hóa thạch hay không đều được quyết định bởi rất nhiều những nhân tố, nhưng có 3 nhân tố cơ bản nhất:
Sinh vật nhất thiết phải có những bộ phận cứng khó phân hủy như xương, vỏ, răng hay gỗ.... sau đó ở vào một điều kiện vô cùng thuận lợi cho dù là những sinh vật mềm yếu như côn trùng hoặc sứa cũng có thể tạo hình thành lên hóa thạch.
Sinh vật khi chết phải được bảo vệ để tránh khỏi những tác động phá hủy, nếu như các phần cơ thể của nó bị nghiền nát hoặc bị ăn mòn thì khả năng tạo thành hóa thạch của sinh vật không thể thực hiện được.
Sinh vật cần thiết phải được chôn xuống và bao phủ bởi những vật chất có thể giúp nó chống lại những điều kiện khắc nghiệt có thể khiến nó bị phân rã. Xác của những sinh vật ở biển thường rất dễ hình thành hóa thạch. Bởi vì xác sinh vật biển chết sau khi lắng xuống đáy biển bị cát phủ lấp, cát trong những niên đại địa chất sau đó sẽ biến thành đá vôi (limestone) hoặc diệp thạch (schist), những trầm tích nhỏ (sediment) nhỏ không dễ làm tổn hại đến xác của sinh vật.
- Loài cúc duy nhất tạo ruồi cái giả 3D thu hút con đực
- Ettore Majorana - Nhà vật lý thiên tài biến mất bí ẩn
- Người 2 lần giữ kỷ lục Guinness thế giới về trí nhớ tiết lộ cách tăng trí nhớ và tập trung tốt hơn