Hóa thạch khủng long hoàn chỉnh nhất tại bảo tàng Australia

Mẫu vật khủng long ba sừng 67 triệu năm tuổi ở Montana gây kinh ngạc cho các nhà nghiên cứu với 266 mảnh xương được lưu giữ cho tới nay.

Trong lúc đi dạo quanh một rặng đá sa thạch trên đất tư nhân ở bang Montana, phía tây bắc nước Mỹ vào năm 2014, nhà cổ sinh vật học Craig Pfister tình cờ phát hiện các mảnh xương chậu và xương đùi hóa thạch lấp lánh dưới ánh hoàng hôn trong một hố sụt lớn hình thành từ những trận mưa trước đó.


Hóa thạch khủng long ba sừng Horridus. (Ảnh: Museums Victoria)

"Tôi nghi ngờ nó là một thứ gì đó đặc biệt, nhưng phải mất một thời gian khai quật mới đánh giá được độ tuổi và chất lượng của mẫu vật", Pfister kể lại.

Hóa thạch được đặt tên là Horridus bởi chủ sở hữu mới của nó, Museums Victoria, tổ chức bảo tàng lớn nhất Australia. Biệt danh này bắt nguồn từ tên gọi khoa học đầy đủ Triceratops horridus của một loài khủng long ba sừng khổng lồ sống cách đây 67 triệu năm.

Pfister là nhà sáng lập của Great Plains Paleontology, một công ty chuyên tìm kiếm và khai quật hóa thạch có trụ sở tại Wisconsin. Trong sự nghiệp gần 30 năm của mình, anh ấy đã phát hiện ra nhiều mẫu vật khủng long bạo chúa cùng các loài quý hiếm khác, nhưng Horridus vẫn là khám phá ấn tượng nhất.

Sau khi tìm thấy hóa thạch, Pfister cùng một số đồng nghiệp phải mất hơn một năm mới khai quật xong mẫu vật. Đó là điều dễ hiểu bởi Horridus có tới 266 mảnh xương còn sót lại. Nó hoàn thiện gần 85%, cao 2,5 m, dài 7 m và nặng 1.000kg. Riêng phần hộp sọ hoàn chỉnh đến 98%.


Bộ xương của Horridus hoàn chỉnh gần 85%. (Ảnh: Museums Victoria).

Theo Erich Fitzgerald, phụ trách cấp cao về cổ sinh vật có xương sống tại Museums Victoria, đây là bộ xương khủng long hoàn chỉnh nhất tại bất kỳ bảo tàng nào ở Australia và là một trong những mẫu vật khủng long ba sừng được bảo quản tốt nhất thế giới.

Các nhà nghiên cứu không hiểu rõ bằng cách nào mà con khủng long ăn thực vật được bảo quản hoàn hảo đến vậy, nhưng Fitzgerald tin rằng nó phải được vùi lấp ngay sau khi chết.

"Tôi nghi ngờ rằng xác chết của sinh vật đã trôi dạt vào một con sông, sau đó chìm nhanh chóng xuống đáy và bị cát bùn vùi lấp. Nó cũng có thể chết trong nước", Fitzgerald giải thích.

Horridus là một phần trong bộ sưu tập của bảo tàng Melbourne thuộc Museums Victoria và nó đang được trưng bày trước công chúng trong triển lãm Triceratops vào tháng này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất