Hội chứng West là gì?
Đừng bỏ qua dấu hiệu nhận biết nếu bạn không muốn con bị bệnh nặng trước khi phát hiện.
Những điều cần biết về hội chứng West
Thời gian gần đây, hội chứng West đang được bàn luận rất nhiều trên mạng xã hội. Cả trên Tiktok và Facebook, nhiều gia đình vô tình phát hiện con mình mắc hội chứng West. Đây là một loại bệnh động kinh khiến trẻ ngày càng kém phát triển.
Trước vấn đề này, nhiều cha mẹ đang nuôi con nhỏ cảm thấy khá lo lắng. BS Trương Hữu Khanh (Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cũng lên tiếng cảnh báo đây là căn bệnh khó phát hiện, chỉ đi khám mới rõ và điều trị mất rất nhiều thời gian. Vậy liệu có thể phòng tránh không? Có dấu hiệu nhận biết hội chứng West không?...
Hội chứng West
Theo Webmd, hội chứng West là một loại động kinh ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Tên gọi của bệnh được đặt theo tên của bác sĩ phát hiện ra nó. Ngoài ra, các chuyên gia cũng có nhiều tên gọi khác nhau cho nó như: Chứng co thắt trẻ sơ sinh, hội chứng co thắt trẻ sơ sinh liên kết với nhiễm sắc thể X...
Hội chứng West là một loại động kinh ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Các triệu chứng của hội chứng West
Hội chứng West có biểu hiện triệu chứng là những cơn co giật gấp người, dễ nhầm lẫn với những cơn giật mình. Ở một số trẻ, lưng thường uốn cong và tay chân duỗi thẳng. Những cơn co giật này chỉ tồn tại trong vài giây nhưng xảy ra thành chùm, được gọi là cụm co giật.
Nhiều trẻ có thể bị tới 150 cơn co giật trong một cụm co giật. Một số trẻ sơ sinh có thể xuất hiện 60 cơn co giật mỗi ngày nếu mắc hội chứng này. Tuy nhiên, ban đầu, biểu hiện này rất rải rác, không xảy ra theo cụm.
Ngoài ra, trẻ mắc hội chứng West thường có các triệu chứng khác đi kèm như:
- Cáu kỉnh.
- Ăn không ngon miệng.
- Thay đổi thói quen ngủ, chẳng hạn như ngủ nhiều hơn vào ban ngày và ít hơn vào ban đêm.
- Chậm phát triển tâm thần, vận động.
- Thờ ơ với môi trường xung quanh, ít nói, ít cười, vẻ mặt đờ đẫn không đáp ứng với các kích thích từ bên ngoài.
Không thực hiện được những động tác mà trước đây từng làm được, ví dụ như trẻ sơ sinh từng giữ được đầu, ngồi được, bò được, cười... bây giờ không làm được nữa.
Hội chứng West nguy hiểm thế nào?
Các chuyên gia nhận định, hội chứng West nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ về lâu dài. Nếu trẻ mắc chứng co thắt sơ sinh liên quan đến những rối loạn hoặc tổn thương não tiềm ẩn dễ bị chậm phát triển. Các kỹ năng như ngồi, bò, tập đi... cũng dễ bị mất.
Trẻ cũng dễ đối mặt với tình trạng suy giảm nhận thức, trí tuệ. Điều này khiến con bạn khó khăn trong quá trình học tập và làm việc sau này.
Chưa kể, hội chứng West để càng lâu dễ tiến triển thành những thể động kinh khác khi trẻ lớn lên. Trong đó nhiều nhất là hội chứng Lennox - Gastaut hoặc khiến trẻ dễ mắc bệnh tự kỷ hơn.
Hội chứng West thường khởi phát ở độ tuổi cụ thể nào?
BS Trương Hữu Khanh khẳng định, hội chứng West rất hiếm gặp nên cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Bệnh phổ biến ở trẻ dưới 1 tuổi, với tỷ lệ mắc 6/10.000 trẻ. Bệnh thường khởi phát trong độ tuổi 3-8 tháng tuổi.
Ngoài ra, bé trai dễ mắc bệnh hơn bé gái. Nghiên cứu thống kê cho thấy, tỷ lệ bé trai mắc bệnh chiếm khoảng 60% trong tổng số các ca mắc.
Hội chứng West rất hiếm gặp nên cha mẹ cũng không nên quá lo lắng.
Đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng West cao hơn bình thường
Xuất hiện bất cứ tổn thương nào ở não bộ, bao gồm cả nguyên nhân trước sinh và sau sinh, đều có thể khiến trẻ có nguy cơ cao mắc hội chứng West. Tổn thương ở não có thể là tổn thương cấu trúc ở một hoặc nhiều vị trí, nhiễm trùng, thiếu oxy não, bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down. Ngoài ra, hiếm hơn là các bệnh lý chuyển hoá như thiếu hụt vitamin B6, tiểu đường... Cụ thể đó là các đối tượng như:
- Dị tật bẩm sinh não bộ của trẻ.
- Trẻ bị ngạt khi sinh.
- Nhiễm trùng sơ sinh, nhất là những trẻ phải nằm điều trị tại đơn vị hồi sức sơ sinh.
- Rối loạn nhiễm sắc thể.
- Tiền sử gia đình có người thân mắc hội chứng động kinh West hoặc các rối loạn của hệ thần kinh như động kinh.
Hội chứng West có phòng tránh được không?
BS Trương Hữu Khanh chia sẻ, không có cách nào để phòng chống hội chứng West. Theo chuyên gia, nếu thấy con có biểu hiện, triệu chứng nghi ngờ thì tốt nhất nên đưa đi khám sớm. Căn bệnh này chỉ có kết luận chắc chắn nếu được khám trực tiếp bằng việc đo điện não đồ tại bệnh viện.
Việc phát hiện sớm giúp con bạn sớm được điều trị, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Bởi hội chứng West được đánh giá có thời gian điều trị kéo dài nên càng can thiệp sớm càng tốt.
- Chứng bệnh kỳ lạ khiến da của thanh niên 27 tuổi bị chảy nhão
- Các loại dị ứng mắt và triệu chứng để phân biệt chính xác nhất
- Rối loạn tiêu hóa là gì?