Hơn 1,3 triệu euro cải thiện nước sạch tại Bắc Kạn
Hơn 1,3 triệu euro là tổng kinh phí mà Quỹ hỗ trợ châu Âu (Liên minh châu Âu), Hội Chữ thập đỏ Pháp tài trợ cho dự án "Tăng cường năng lực cho các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn nhằm tiếp cận môi trường trong lành và cung cấp nước sạch" ở nước ta.
Dự án này được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành tại 3 xã gồm Công Bằng, Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm) và Cao Thượng (huyện Ba Bể) từ năm 2008 đến nay.
Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã tiến hành hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khi tiến hành Dự án này tại Hà Nội ngày 28/10.
Ông Thomas Janny, Trưởng đại diện Hội Chữ thập Đỏ Pháp tại Việt Nam, người trực tiếp điều hành dự án 3 năm qua cho biết rằng: "Trước khi tiến hành dự án này, ở 3 xã nêu trên thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; nhiều hộ dân trong xã không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Do đó, dự án tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhất là của người dân về vệ sinh môi trường, nước sạch. Dự án cũng cung cấp các kiến thức về bảo trì, bảo dưỡng công trình nước sạch, quản lý công trình. Nhiều lớp truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, môi trường dành cho trẻ em đã được mở nhằm giúp các em thay đổi thói quen chưa tốt."
Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ người dân xây dựng nhiều công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Đã có 212 công trình nước tự chảy, cung cấp nước sạch cho 569 hộ gia đình, phục vụ 2845 nhân khẩu. Các hộ gia đình đều có trụ vòi nước riêng để sử dụng. Ngoài ra còn có 22 trụ vòi khác phục vụ các em học sinh, thầy cô giáo, công trình công cộng khác...
Đối với các gia đình không đấu nối được vào công trình nước của dự án hoặc xây giếng thì được cung cấp téc dự trữ nước cùng bình lọc gốm. Dự án cũng tài trợ xây dựng 1022 công trình nhà vệ sinh 1 ngăn, 2 ngăn cho 5110 người sử dụng. Nhờ đó mà chất lượng sống, điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt.
Ông Ma Văn Chức, đại diện xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, một trong những xã thụ hưởng dự án khẳng định rằng: "Dự án đã giúp người dân địa phương được tiếp cận nước sạch, công trình vệ sinh thích hợp nên môi trường sống ở xã đã tốt hơn trước rất nhiều. Một hiệu quả nữa từ dự án này là đã góp phần thay đổi thói quen nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn của đồng bào dân tộc, gia súc giờ đã được di chuyển ra xa chỗ ở của gia đình. Thông qua đó mà dịch bệnh đã giảm hẳn."
Tính bền vững của dự án cũng được đảm bảo bởi người dân thụ hưởng cũng chính là những người trực tiếp thực hiện, duy trì dự án. Họ đã được trang bị kiến thức cùng cơ sở vật chất ban đầu để duy trì dự án sau khi dự án kết thúc. Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Pháp đều tin tưởng rằng mô hình này sẽ được cộng đồng người dân duy trì tốt và có thể áp dụng nhân rộng sang các địa phương khó khăn khác...