Hòn đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới
Nằm cách bờ biển 45km, đảo năng lượng Princess Elisabeth trở thành mạng lưới điện đầu tiên trên thế giới ở biển Bắc, kết nối các trang trại gió ngoài khơi với Bỉ và các nước châu Âu.
Elia, một nhà điều hành hệ thống truyền tải điện ở Bỉ, đang xây dựng một hòn đảo năng lượng nhân tạo ở biển Bắc để hoạt động như một trung tâm năng lượng của châu Âu.
Hình ảnh mô phỏng đảo năng lượng ở biển Bắc - (Ảnh: ELIA)
Hòn đảo năng lượng này sẽ kết nối các trang trại gió ngoài khơi ở khu Princess Elisabeth với đất liền. Princes Elisabeth Zone là vùng điện gió ngoài khơi của Bỉ và châu Âu, có công suất dự kiến 3,5GW.
Trải rộng trên diện tích 281km², đảo bao gồm ba khu vực riêng biệt với các công viên điện gió ngoài khơi bờ biển Bỉ. Đảo sẽ sản xuất và cung cấp điện cho đất liền thông qua các tuyến cáp dưới biển.
Ngoài ra, trước mắt đảo còn có hai thiết bị truyền tải điện với Anh và Đan Mạch, thông cáo báo chí của công ty cho biết.
Đây còn là hòn đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới sử dụng cả dòng điện xoay chiều (HVAC) và dòng điện một chiều điện áp cao (HVDC).
Để nâng cao hòn đảo, Elia cho xây dựng một bức tường bao quanh bên ngoài bằng một loạt cấu trúc bê tông dưới đáy biển và sau đó lấp đầy khu vực bằng cát, để bảo vệ các công trình khỏi sóng mạnh, gió, mưa và lũ lụt.
Hòn đảo cũng sẽ có một cảng và sân bay trực thăng cho phép nhân viên đến thăm và thực hiện các hoạt động bảo trì.
Cơ sở hạ tầng truyền tải điện, chẳng hạn như trạm biến áp AC, cũng được xây dựng để giảm thiểu thất thoát năng lượng.
Việc xây dựng dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Các kết nối với các trang trại gió và đất liền dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Hòn đảo năng lượng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo của Bỉ và giảm phát thải khí nhà kính.
Mặt khác, đảo này cũng sẽ đóng vai trò là nền tảng cho một hệ thống điện ngoài khơi toàn diện ở châu Âu, liên kết lưới điện các quốc gia với nhau, đồng thời cũng là bước quan trọng để tạo ra 300GW điện ngoài khơi vào năm 2050 ở châu Âu.
Quỹ Phục hồi COVID châu Âu tài trợ cho hòn đảo năng lượng này, và nó cũng đã nhận được một khoản trợ cấp từ Chính phủ Bỉ trị giá khoảng 100 triệu euro.
- Giáo sư Vật lí giải thích về khả năng có cuộc sống sau khi con người rời khỏi thế giới này
- Con đường mòn đáng sợ và nguy hiểm nhất hành tinh đang nằm ở đâu?
- Top 8 kho báu quý nhất thế giới vẫn đang mất tích