Hy vọng chữa khỏi ung thư từ liệu pháp giành giải Nobel Y học 2018
Bằng cách kích thích hệ miễn dịch, nghiên cứu của James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đem tới hy vọng đẩy lùi hoàn toàn ung thư.
Ngày 1/10, giải Nobel Y học năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế cơ chế điều hòa âm tính của kháng thể hay còn gọi là liệu pháp hệ miễn dịch điểm kiểm tra. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư giành giải Nobel.
Tại lễ công bố giải, ông Klas Kärre, thành viên ủy ban Nobel cho biết cả giáo sư Allison lẫn giáo sư Honjo đều phát hiện tế bào miễn dịch có thể hoạt động như một bộ phanh để tấn công tế bào ung thư.
Năm 1990, giáo sư Allison tìm ra một loại protein hoạt động như bộ phanh hay còn gọi là điểm kiểm tra (checkpoint) trong hệ miễn dịch. Ông chứng minh rằng nhả phanh giúp giải phóng các tế bào miễn dịch chống ung thư, từ đó đem đến kết quả tích cực trong điều trị ung thư ở chuột.
Đến năm 1992, giáo sư Tasuku Honjo tìm ra điểm kiểm tra thứ hai. Liệu pháp dựa trên khám phá của ông cũng chứng tỏ hiệu quả trong việc đẩy lùi ung thư.
Trên thực tế, ý tưởng huy động hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư được đưa ra lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, đến thời giáo sư Allison và giáo sư Honjo, ý tưởng mới trở thành điều trị lâm sàng.
Mô phỏng hệ thống phanh của hệ miễn dịch. (Ảnh: Twitter).
Ông Kärre nhận định công trình của giáo sư Allison và giáo sư Honjo tạo nên bước ngoặt lớn, đồng thời thay đổi cách nhìn nhận về điều trị ung thư. Thay vì tập trung vào khối u, liệu pháp do hai nhà khoa học sáng tạo nên hướng đến hệ miễn dịch, do vậy phù hợp với nhiều dạng ung thư khác nhau.
Các loại thuốc từ công trình của giáo sư Allison và giáo sư Honjo được gọi là chất ức chế điểm kiểm tra cho thấy kết quả rõ rệt ở bệnh nhân ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tế bào hắc tính và ung thư hạch bạch huyết. Chúng gây ra tác dụng phụ song không nghiêm trọng và có thể đảo ngược được.
"Nhờ liệu pháp này, chúng ta có thể chữa khỏi ung thư", ông Kärre nói.
Theo The Guardian, sau khi biết tin mình đoạt giải Nobel, giáo sư Alisson đang ở "trạng thái sốc" vì đạt được "giấc mơ của mọi nhà khoa học". Tại Nhật Bản, giáo sư Honjo ăn mừng với các đồng nghiệp tại Đại học Kyoto. Cả hai sẽ cùng chia đôi phần thưởng trị giá chín triệu kronor (khoảng 1,1 triệu USD).
Giáo sư Allison sinh năm 1948, hiện công tác tại Trung tâm Ung thư Anderson thuộc Đại học Texas. Ông từng có nhiều năm nghiên cứu về cơ chế phát triển, kích hoạt thụ thể tế bào T và cũng là nhà khoa học đầu tiên tìm ra cách tách chuỗi protein phức tạp của kháng nguyên thụ thể tế bào T.
Giáo sư Allison mất mẹ từ năm 10 tuổi vì ung thư hạch bạch huyết. Lớn lên, việc chứng kiến người bệnh đau đớn vì hóa trị, xạ trị càng thôi thúc ông tìm ra cách điều trị ung thư. Dù từng tuyên bố bản thân chỉ là một nhà khoa học đơn thuần muốn tìm hiểu hoạt động của tế bào T, giáo sư Allison cũng thừa nhận những gì đã xảy ra "luôn nằm trong đầu tôi".
Giáo sư Allison (áo trắng) ăn mừng cùng gia đình và bạn bè. (Ảnh: Twitter).
Giáo sư Honjo sinh năm 1942. Ông bắt đầu nghiên cứu ung thư sau khi một người bạn học qua đời vì ung thư dạ dày. Giáo sư Honjo nổi tiếng với công trình về protein PD-1 và phát hiện một loại enzyme AID có vai trò thiết yếu trong quá trình tái tổ hợp gene kháng thể và siêu đột biến. Từ năm 1984 đến nay, giáo sư Honjo làm việc tại Đại học Kyoto.
Giáo sư Honjo (áo xanh, vest xanh) ăn mừng cùng đồng nghiệp. (Ảnh: Twitter).
Dù đều đã bước qua tuổi 70, cả giáo sư Allison lẫn giáo sư Honjo đều khẳng định sẽ tiếp tục làm việc để đem đến hy vọng cho bệnh nhân ung thư. "Tôi muốn những người bị ung thư ngoài kia biết rằng chúng tôi vẫn đang nỗ lực", giáo sư Allison bày tỏ.
Giáo sư Honjo thì chia sẻ: "Một người bạn chơi golf đã đến cảm ơn tôi rằng nhờ công trình của tôi, ông ấy đã khỏi ung thư phổi. Những lời như vậy quý giá hơn bất cứ giải thưởng nào. Tôi sẽ không dừng lại để liệu pháp hệ miễn dịch cứu được thật nhiều bệnh nhân".