Internet "trên trời phát xuống" của Elon Musk nhanh đến đâu?
Công nghệ Internet vệ tinh của SpaceX hứa hẹn sẽ thay đổi cách con người sử dụng mạng. Tuy nhiên liệu kết nối này có đủ nhanh?
Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk vừa thử nghiệm thành công hệ thống Starlink gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ được phóng hàng loạt lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất để cung cấp kết nối Internet.
Ưu điểm của Starlink chính là khả năng cung cấp kết nối Internet đến bất cứ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu tốc độ và độ trễ của phương pháp này có đủ đáp ứng những nhu cầu thông thường, ví dụ như xem phim trên mạng khi đang ở giữa biển.
Ảnh mô phỏng mạng lưới vệ tinh của Starlink bao phủ gần như toàn bộ Trái đất. (Ảnh: Đại học College London).
Kết nối Starlink nhanh đến đâu?
Ở thời điểm này, tốc độ kết nối của Starlink chưa mấy ấn tượng. Những người dùng thử nghiệm dịch vụ này đã đăng tải kết quả lên Speedtest của Ookla, cho thấy tốc độ hệ thống Starlink vẫn chậm hơn cáp quang.
Cụ thể, tốc độ tải xuống của hệ thống Starlink dao động từ 11-60 Mbps, còn tốc độ tải lên từ 5-18 Mbps.
Độ trễ cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong các kết quả Speedtest, độ trễ của dịch vụ Starlink khoảng 31-94 ms. Độ trễ này cao hơn dịch vụ cáp quang một chút nhưng chưa đến mức thảm họa. Tất nhiên, đây không phải là kết quả cuối cùng vì Starlink mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.
Các kết quả thử nghiệm được xác nhận từ dịch vụ Starlink. (Ảnh: Reddit).
"Kết quả thử nghiệm tốt, và tôi ấn tượng với độ trễ. Tôi nghĩ trong tương lai độ trễ sẽ không thay đổi, nhưng tốc độ có thể cải thiện nhiều", tài khoản Pedroaavieira bình luận trên Reddit.
Những kết quả thử nghiệm này có thể vẫn chưa đầy đủ, bởi người thử nghiệm Starlink đều phải ký thỏa thuận giữ bí mật về kết quả. Năm 2016, khi đăng ký dịch vụ với Ủy ban viễn thông Mỹ (FCC), SpaceX cho biết tốc độ của Starlink sẽ hơn 1 Gbps cho mỗi người dùng.
Tại Mỹ, thị trường lớn mà SpaceX nhắm tới, tốc độ Internet trung bình theo khảo sát của Ookla vào cuối năm 2018 là 96,25 Mbps tải xuống và 32,88 Mbps tải lên. SpaceX dự tính sẽ có tới 5 triệu hộ gia đình sử dụng dịch vụ Starlink.
Một tên lửa Falcon 9 mang hàng chục vệ tinh Starlink để phóng lên không gian. (Ảnh: Elon Musk).
Bên cạnh đó, CEO Elon Musk từng cho biết SpaceX đặt mục tiêu độ trễ của Starlink sẽ dưới 20 ms, đủ để "chơi game phản ứng nhanh ở mức chuyên nghiệp". Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới độ trễ là khoảng cách truyền dẫn, và đây là ưu điểm của Starlink khi các vệ tinh này chỉ bay quanh Trái đất ở khoảng cách 540-570 km.
Yếu tố độ trễ sẽ rất quan trọng với Starlink trong tương lai, bởi nếu không thể chứng minh độ trễ đạt mức thấp như mình hứa hẹn thì họ sẽ không được FCC cấp tần số viễn thông để sử dụng ở các vùng đông đúc, mà chỉ được sử dụng tần số dùng cho mạng ở nông thôn.
Theo số liệu của FCC, độ trễ của mạng cáp quang thường ở mức 5-12 ms, còn tín hiệu từ vệ tinh địa tĩnh có độ trễ khoảng 600 ms. Ookla cho biết để chơi được game thì độ trễ phải dưới mức 129 ms, còn để chơi tốt thì phải ở mức dưới 59 ms.
Dự án có thể thay đổi thế giới
Hiện nay SpaceX mới phóng lên không gian khoảng 600 vệ tinh Starlink. Vào tháng 11/2018, FCC đã chấp thuận cho SpaceX phóng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp, song Musk hy vọng con số sẽ tăng lên 30.000 trong tương lai.
Hình mô tả vệ tinh Starlink trên quỹ đạo. (Ảnh: SpaceX).
Viễn cảnh một khi Starlink hoàn thiện là người dùng có thể cắm trại trong rừng, thưởng thức bữa tối với phim 4K trên Netflix không gián đoạn, hay vừa livestream vừa thả bộ trên một hòn đảo. Đó là những gì Starlink muốn đạt được.
Những quốc gia đang phát triển với Internet không ổn định, tốc độ thấp và giá cước cao cũng hưởng lợi nhờ Starlink. Trong tương lai, các nhà cung cấp viễn thông sẽ phải dè chừng dự án này.
Mục tiêu của Starlink là mang đến kết nối Internet đến mọi nơi với chi phí rẻ, tốc độ cao. Nếu hệ thống của Starlink ngày càng được cải thiện, đó sẽ là đối thủ lớn với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tác giả của TechCrunch nhận định Starlink hoàn toàn đủ khả năng tham gia chương trình tài trợ liên bang trị giá 16 tỷ USD nếu chứng minh ưu điểm của nó so với các nhà mạng Internet thông thường.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
