Italy thực hiện ca cấy ghép thực quản nhân tạo đầu tiên trên thế giới
Ca cấy ghép thực quản nhân tạo lần đầu tiên trên thế giới đã được các bác sỹ người Italy tiến hành trong năm nay tại Mỹ và họ đang muốn áp dụng công nghệ mới này để chữa trị cho nhiều bệnh nhân khác.
Hai bác sỹ người Italy là Fabio Triolo và Saverio la Francesca đã tiến hành cấy ghép thực quản, hay còn gọi là ống thức ăn, trên một bệnh nhân ung thư 75 tuổi ở Mỹ cách đây 3 tháng và sức khỏe của bệnh nhân này hiện khá ổn định.
Phát biểu với nhật báo La Repubblica của Italy, hai bác sỹ cho rằng: "cơ quan mới trên bệnh nhân dường như hoạt động tốt và những ca cấy ghép tương tự sẽ sớm được thử nghiệm với các cá nhân khác".
Bác sỹ La Francesca là Chủ tịch Biostage, một công ty chuyên phát triển việc cấy ghép nội tạng dựa vào công nghệ sinh học để điều trị ung thư và các căn bệnh khác vốn đe dọa đến mạng sống của con người như các bệnh liên quan thực quản, phế quản và khí quản.
Sau khi cấy ghép 3 tháng thì hiện tại sức khỏe của bệnh nhân này khá ổn định.
Sự hợp tác giữa hai bác sỹ La Francesca và Triolo đã kéo dài trong hơn một thập niên qua.
Bác sỹ Triolo đã từng thành lập Trung tâm Y học tái tạo và liệu pháp tế bào ở Đại học Palermo, Italy vào năm 2007, trước khi chuyển đến Houston, bang Texas của Mỹ vào năm 2011.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt công nghệ mới này hồi tháng Năm năm nay và việc cấy ghép đã được triển khai thực hiện ngay sau đó tại một phòng khám ở Houston.
Trong quá trình cấy ghép, những tế bào ung thư ở bệnh nhân 75 tuổi nói trên đã được thay thế bằng một ống thực quản sinh học nhân tạo được làm bằng vật liệu tổng hợp và các tế bào gốc lấy từ mô mỡ của bệnh nhân.
Tờ Repubblica cho biết hiện mỗi năm có tới 456.000 ca ung thư thực quản trên thế giới. Lâu nay, các phần của dạ dày hoặc đường ruột đã được sử dụng để thay thế các tế bào ung thư, nhưng điều này có thể dẫn đến một số biến chứng.
Giới chuyên gia đã hoan nghênh phương pháp cấy ghép mới nói trên của hai bác sỹ La Francesca và Triolo.
Người đứng đầu Trung tâm Cấy ghép Quốc gia Italy, ông Alessandro Nanni Costa đánh giá rằng: "trên quan điểm khoa học, đây là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng cho dù đã có sự phê chuẩn của FDA. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng khác cần phải được tiến hành".