Kế hoạch "câu" thiên thạch bằng nam châm khổng lồ
Các nhà thiên văn học đang lên kế hoạch thu thập một thiên thạch đến từ hệ sao khác đâm xuống Thái Bình Dương với năng lượng tương đương 110 tấn thuốc nổ TNT.
Mô phỏng thiên thạch lao về phía Trái đất. (Ảnh: Maciej Frolow)
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Harvard hy vọng tìm thấy mảnh vỡ của thiên thạch liên sao mang tên CNEOS 2014-01-08 đâm vào Trái đất ngày 8/1/2014. Việc phát hiện mảnh vỡ như vậy sẽ đại diện cho sự tiếp xúc đầu tiên của nhân loại với vật chất lớn hơn hạt bụi đến từ ngoài Hệ Mặt trời, theo Amir Siraj, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Harvard, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên cơ sở dữ liệu ArXiv hôm 5/8.
Siraj xác định nguồn gốc liên sao của vật thể trong một nghiên cứu năm 2019 với độ chắc chắn 99,999%, nhưng phải tới tháng 5/2022, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ mới xác nhận kết luận của ông. Không có nhân chứng nào trông thấy vật thể đâm xuống Trái đất. "Thiên thạch lao qua khí quyển cách bờ biển Papua New Guinea khoảng 160 km vào nửa đêm, với năng lượng bằng 1% quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima", Siraj cho biết.
Với chiều rộng 0,5 m, CNEOS 2014-01-08 hiện nay là vật thể liên sao đầu tiên được phát hiện trong hệ Mặt Trời. Trước đây, danh hiệu đó thuộc về một vật thể thuôn dài gọi là 'Oumuamua, phát hiện vào năm 2017 thông qua đài quan sát Pan-STARRS và di chuyển qua hệ Mặt Trời ở tốc độ gần 92.000km/h. CNEOS 2014-01-08 được cho là đến từ hệ sao khác bởi nó di chuyển 60 km/giây, quá nhanh để chịu tác động từ lực hấp dẫn của Mặt Trời. Theo Siraj, CNEOS 2014-01-08 vượt quá giới hạn tốc độ đối với những vật thể bị hút bởi Mặt Trời. Do thiên thạch không đến gần bất kỳ hành tinh nào khác dọc đường, chắc chắn nó phải có nguồn gốc từ bên ngoài hệ Mặt Trời.
Siraj cho biết ông và cộng sự sẽ thực hiện chuyến thám hiểm trị giá 1,6 triệu USD để hạ nam châm lớn cỡ một chiếc giường ở 1,3 độ vĩ Nam và 147,6 độ kinh Đông, vị trí thiên thạch rơi xuống mà Bộ Quốc phòng Mỹ xác định. Vị trí đó cách đảo Manus ở biển Bismarck phía tây nam Thái Bình Dương khoảng 300 km về phía bắc.
CNEOS 2014-01-08 có độ bền vật liệu vượt xa thiên thạch sắt thông thường, giúp việc thu thập trở nên dễ dàng hơn. Độ bền vật liệu chỉ khả năng chịu biến dạng hoặc hư hỏng do sức nặng. "Phần lớn thiên thạch chứa đủ sắt để dính vào loại nam châm mà chúng tôi định sử dụng cho chuyến thám hiểm trên biển trong dự án Galileo", Siraj nói. "Với độ bền vật liệu cực cao, nhiều khả năng mảnh vỡ của CNEOS 2014-01-08 là sắt từ".
Ra khơi từ Papua New Guinea, chiếc tàu của dự án Galileo sẽ sử dụng một nam châm gắn trên tời kéo dọc đáy biển ở độ sâu 1,7km trong 10 ngày. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể thu thập những mảnh vỡ nhỏ tới 0,1mm của thiên thạch. Tuy nhiên, họ chưa tiết lộ thời gian tiến hành chuyến thám hiểm.
- Tìm thấy đồng xu vàng quý hiếm trong ngôi mộ tập thể của lính đánh thuê
- Trung Quốc phóng tàu vũ trụ tái sử dụng bí ẩn
- Chiến thuyền của chiến binh Viking có gì đặc biệt?