Khả năng động vật hoang dã xử lý rượu trong tự nhiên
Các nhà nghiên cứu cho biết, không chỉ con người sử dụng đồ uống có cồn, mà ngay cả động vật hoang dã cũng “chếnh choáng” vì rượu có sẵn trong tự nhiên, xuất phát từ hoa quả, mật hoa lên men.
Rượu xuất hiện trong hầu hết mọi hệ sinh thái trên Trái đất, khiến cho hầu hết các loài động vật ăn trái cây ngọt và mật hoa, thường xuyên tiêu thụ chất gây say này.
Nhiều loài đã tiến hóa để chịu được rượu và một số loài khác lại học cách tự bảo vệ mình bằng rượu. Ví dụ như ruồi giấm thường đẻ trứng trong thực phẩm giàu ethanol, bảo vệ chúng khỏi ký sinh trùng. Cũng có những loài dường như không thể xử lý được tác động của rượu trong tự nhiên.
Một con ruồi giấm. (Ảnh: Alamy).
Sau khi tìm hiểu kỹ các bài báo nghiên cứu về động vật và rượu, nhóm nhà khoa học tại Đại học Exeter (Anh) đã tìm ra một "nhóm đa dạng" các loài đã tiêu thụ và thích nghi với ethanol từ hoa quả, mật hoa lên men.
Ethanol phổ biến trên Trái đất từ khoảng 100 triệu năm trước, khi thực vật có hoa bắt đầu tạo ra trái cây ngọt và nấm men khiến mật hoa lên men. Hàm lượng cồn trong tự nhiên này thường thấp, khoảng 1% đến 2% cồn theo thể tích, nhưng trong quả cọ chín nẫu, nồng độ có thể lên tới 10%.
Trong một nghiên cứu, có bằng chứng bằng hình ảnh về tinh tinh hoang dã ở Đông Nam Guinea say sưa uống nhựa cây cọ raffia. Trong khi đó, những con khỉ nhện trên đảo Barro Colorado, Panama lại thích quả mombin vàng chứa từ 1% đến 2,5% cồn.
Băn khoăn về việc động vật tiêu thụ rượu trong tự nhiên có dẫn đến say xỉn hay không là một vấn đề khác. Có nhiều câu chuyện về động vật say xỉn, từ voi và khỉ đầu chó say quả marula ở Botswana, đến một con nai sừng tấm bị kẹt đầu trong cây ở Thụy Điển sau khi nhai táo lên men... Nhưng chúng không hề được đo nồng độ cồn.
Động vật thường xuyên ăn thực phẩm lên men có xu hướng chuyển hóa rượu nhanh chóng, tránh được những tác động tồi tệ nhất của nó. Nhưng một số loài vật không thường xuyên tiêu thụ ethanol, chúng có thể phải chịu hậu quả.
Việc xét nghiệm những con chim Bombycilla cedrorum chết do đâm vào hàng rào và các công trình khác, cho kết quả chúng đã bay dưới ảnh hưởng của rượu sau khi ăn quả chín nẫu của cây tiêu Brazil.
Vào đầu tháng này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv (Israel) phát hiện ra rằng ong bắp cày phương Đông có thể là loài động vật duy nhất có khả năng tiêu thụ lượng rượu không giới hạn mà không bị ảnh hưởng xấu đến hành vi hoặc gây tử vong.
- Bí quyết để uống rượu mà không say
- Vì sao rượu làm chúng ta say xỉn?
- Chất giúp uống rượu mà không bị say