Khai quật 5,5kg vàng trong lăng mộ, nửa năm sau vàng hụt đi 1kg: Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 5/10/1970, các công nhân trên một công trường ở ngoại ô phía nam thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã bất ngờ tìm thấy một chiếc bình gốm lớn nắm dưới 1 mét đất. Đào sâu hơn, họ nhận ra bên dưới còn có tới 15, 16 chiếc bình khác, bên trong bình chứa toàn những món đồ vàng sáng lóa.

Người phụ trách công trường lập tức báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng, huy động đoàn khảo cổ Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây gấp rút đến hiện trường. Sau khi khai quật sơ bộ, các chuyên gia tìm thấy tổng cộng hơn 1.000 đồ tạo tác bằng vàng và bạc bao gồm bát, chậu, đồ trang trí...


Những món đồ tùy táng được phát hiện trong lăng mộ. (Ảnh: Sohu).

Nhiều món tạo tác độc đáo lần đầu tiên được phát hiện trong các khu mộ cổ, nổi bật là 4 miếng vàng lá cực quý. Khi được phát hiện những miếng vàng này đang bị ngâm trong nước.

Các chuyên gia đã cẩn thận lấy chúng ra, lau sạch rồi đem lên cân. Trọng lượng của 4 miếng vàng chính xác là 5,5kg.

Với công nghệ của hơn 1000 năm trước, những người thợ kim hoàn đã rất khéo léo mới có thể chế tác nên những lá vàng mỏng như vậy. Đồ tùy táng vàng trong lăng mộ này cũng được đánh giá là nổi bật về số lượng và cực kỳ phong phú về chủng loại.

1kg vàng biến mất

Tháng 1/1971, tức là chỉ nửa năm sau lần khai quật lăng mộ ở Thiểm Tây, đoàn khảo cổ mang những di tích văn hóa đã tìm thấy ra cân đo lại để làm báo cáo.

Khi đặt 4 miếng vàng lá lên cân, chuyên gia Hàn Vĩ - một thành viên đội khảo cổ đã không thể tin vào mắt mình: Tổng trọng lượng của chúng chỉ còn 4,5kg, nghĩa là 1kg vàng đã biến mất. Hàn Vĩ lập tức báo cáo sự việc cho ban lãnh đạo bảo tàng nhưng không ai có  thể lý giải nổi.

Bốn tháng sau, khi các nhân viên bảo tàng khai báo để đưa 4 miếng vàng vào kho, họ lại tiếp tục nhận ra chúng đã bị hụt đi 5 lạng, hiện chỉ còn 4kg. Vậy là từ khi được khai quật, 1,5kg vàng đã "không cánh mà bay".


Bốn miếng vàng lá liên tục bị hao hụt trọng lượng một cách khó hiểu. (Ảnh: Sohu).

Ban lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây lập tức mời công an vào cuộc điều tra sự việc. Ban đầu họ nghi ngờ có người đã sử dụng công nghệ cao để trộm cắp vàng, nghi phạm số một lúc này chính là chuyên gia Hàn Vĩ. Hàn Vĩ là người tiếp xúc nhiều nhất với những miếng vàng, cũng là người đầu tiên báo cáo sự việc trọng lượng vào bị thâm hụt.

Lúc này những người đồng nghiệp của Hàn Vĩ chợt nhớ ra một chi tiết quan trọng có thể giúp ông minh oan, đó là khi vàng được phát hiện nó được ngâm trong nước: Liệu có phải nửa năm sau nước đã bay hơi đi nên vàng nhẹ hơn?


Hóa ra có những nguyên nhân đặc biệt đằng sau giả thuyết vàng hút nước. (Ảnh: Sohu).

Giả thuyết này ban đầu bị đánh giá là quá vô lý. Vàng vốn là kim loại rất ổn định, Axit Sunfuric (H₂SO₄) hoặc Axit Nitric (HNO₃) còn không gây ảnh hưởng đến nó, làm sao vàng có thể hấp thụ nước?

Để giải đáp thắc mắc này, đội điều tra đã mời hai giáo sư của khoa Hóa học và khoa Vật lý trường Đại học Tây Bắc (Thiểm Tây) đến tiến hành một thí nghiệm tại chỗ: Các chuyên gia đã nhúng 4 miếng vàng lá vào nước, một 1 tuần sau mới vớt ra, gột sạch nước rồi cân lại.

Kết quả khiến mọi người một lần nữa sững sờ: Cân nặng của 4 miếng vàng lá là 5,5kg! Lúc này họ mới nhận ra những miếng vàng này thật sự đã hút nước, qua thời gian nước bay hơi đi mới hao hụt trọng lượng.

Sự thật là những miếng vàng lá do thợ thủ công thời xưa rèn đúc, bên trong có rất nhiều lỗ tí hon chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi. Khi bị ngâm trong nước hơn 1000 năm, những lỗ nhỏ này đã hấp thụ nước khiến vàng nặng hơn trọng lượng thật. Thí nghiệm đặc biệt này đã giúp minh oan cho chuyên gia khảo cổ Hàn Vĩ và khiến hậu thế được một phen mở mang tầm mắt.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất