Khai quật hố vàng tại nơi có thể 'viết lại lịch sử' Trung Quốc, đội khảo cổ thích thú: Chính là vàng 9999!
Những bất ngờ mới lại được phát hiện tại hố chôn số 5 của di chỉ gây chấn động giới khảo cổ - Tam Tinh Đôi.
Di chỉ Tam Tinh Đôi và nền văn hóa Thục cổ đại là một trong những khám phá khảo cổ học quan trọng bậc nhất của Trung Quốc. Sự tồn tại và biến mất của vương quốc Thục, những di vật, những dấu vết vô cùng đặc biệt của nó khiến cho các chuyên gia phải đặt dấu hỏi về nguồn gốc của nền văn minh Hoa Hạ.
Tháng 3/2021, tờ Tân Hoa Xã và nhiều trang báo uy tín tại Trung Quốc còn nhận định các phát hiện mới này có thể khiến Trung Quốc phải "viết lại lịch sử".
Mới đây, thông báo với giới truyền thông về tình hình công tác khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi (thành phố Quảng Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), giáo sư Lê Hải Siêu của Viện Khảo cổ Tứ Xuyên cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tại khu vực hố tế lễ số 5 đã lần đầu tiên phát hiện nhiều vật bằng vàng (một mặt nạ vàng nặng 280 gram, những mảnh vàng vụn) và các đồ bằng ngọc, ngà voi…
Mặt nạ vàng tại khu vực hố khai quật số 5. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Các mảnh vàng vụn tại khu vực hố khai quật số 5 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Hạt vàng được phát hiện tại hố khai quật số 5. (Ảnh: CCTV)
Trong đó, điều khiến các chuyên gia quan tâm là tại hố số 5 cũng phát hiện nhiều hạt vàng, có kích thước từ bằng hạt gạo đến đường kính vài milimet.
Qua kiểm tra, các chuyên gia rất ngạc nhiên khi phát hiện lượng vàng trong đó lên tới 99% có thể gọi là vàng tinh khiết (tiệm cận với loại "vàng 9999" như cách gọi ngày nay). Những hạt vàng này có thể đã được tạo ra bằng công nghệ tạo hạt vàng mà ngày nay chúng ta vẫn thấy - thả vàng đã nóng chảy vào nước ấm tạo thành hạt vàng nhỏ.
Bên cạnh đó, trên những mảnh vàng vụn tại đây (hố số 5) cũng có các lỗ bất thường, trên các miếng ngà voi có các vết khắc chạm rất mảnh, các chuyên gia cho rằng những hạt vàng có thể đã được dùng để trang trí trên các loại hình trang sức và vật trang trí vô cùng lộng lẫy, dành cho tầng lớp người có địa vị đặc biệt trong xã hội.
Việc phát hiện các hạt vàng tinh khiết làm dấy lên nhiều nghi ngờ mới trong giới chuyên gia. Nền văn minh nước Thục cổ đại có niên đại từ khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 5 TCN, rất sớm so với các nền văn minh khác như Ai Cập và Lưỡng Hà.
Vàng mới chỉ được dùng từ thời kỳ nhà Chu ở khu vực Hoa Hạ từ khoảng thế kỷ VI-V TCN. Thời điểm đó đã có công nghệ chế tác vàng tinh khiết thì quả thực là đáng ngạc nhiên.