Khai quật tượng Phật cổ nhất từng được phát hiện tại Trung Quốc
Các nhà khoa học tại tỉnh Thiểm Tây cho biết họ đã khai quật tượng phật cổ nhất từng được phát hiện tại Trung Quốc.
Hai bức tượng được khai quật từ ngôi mộ của một gia đình tại tỉnh Thiểm Tây (tây bắc Trung Quốc) có niên đại từ thời Đông Hán (25-220). Những bức tượng này có tuổi đời lớn hơn bức tượng Phật cổ nhất từng được phát hiện trước đó tại Trung Quốc (có từ thời Thập lục quốc (304-489) khoảng 200 năm.
Theo thông báo của các nhà khoa học nước này, trong hai bức tượng mới khai quật, một bức tượng mô phỏng Phật Thích ca Mâu ni, cao 10,5cm, đường kính đáy 4,7cm, làm từ hỗn hợp đồng, thiếc và chì.
Một trong hai bức tượng mới được khai quật tại tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Xinhua)
Tác phẩm còn lại cao 15,8cm, đường kính đáy 6,4cm, mô phỏng Ngũ Trí Phật tượng trưng cho 5 phẩm chất cốt lõi của đạo Phật.
Qua kết quả phân tích kim loại, các nhà khoa học cho rằng các bức tượng được sản xuất tại địa phương, cho thấy đạo Phật đã phổ biến tại Thiểm Tây từ thời Đông Hán.
Bức tượng mô phỏng Ngũ Trí Phật. (Ảnh: Xinhua).
Li Ming, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, người dẫn đầu dự án khai quật, cho biết các khu mộ này thuộc về những gia đình hoàng tộc hoặc quan chức cấp cao tại địa phương thời xưa.
Các nhà khoa học cho biết việc phát hiện các bức tượng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu sự du nhập của Phật giáo vào Trung Quốc.
Cuộc khai quật bắt đầu vào tháng 6/2020 và vẫn đang được thực hiện. Tính đến nay, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện 16.000 cổ vật và khai quật 3.648 ngôi mộ.