Khám nghiệm tử thi không cần dao mổ
Với hệ thống “virtopsy” (khám nghiệm tử thi ảo), giáo sư Michael Thali và các cộng sự ở Đại học Berne (Thụy Sĩ) mỗi năm thực hiện khoảng 100 ca khám nghiệm tử thi mà không cần dùng đến dao mổ để xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân.
“Không cần mở xác, chúng tôi vẫn có thể biết được 60-80% các vết thương và 80% nguyên nhân dẫn đến cái chết”, giáo sư Thali giải thích. Từ năm 2006 đến nay, hệ thống do nhóm của ông chế tạo được dùng để khám nghiệm tất cả các ca tử vong đột ngột hoặc những ca chết không rõ nguyên nhân ở Thủ đô Berne.
Trình diễn hệ thống khám nghiệm tử thi ảo với hình nộm.
Theo giáo sư Thali, nhóm của ông là những người đầu tiên trên thế giới kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật chụp CT, chụp ảnh cộng hưởng từ với chụp X-quang mạch máu và làm sinh thiết tử thi. Máy CT chụp hình ảnh tổn thương ở xương và não bộ trong khi máy chụp ảnh cộng hưởng từ chụp ảnh mô mềm, còn máy chụp X-quang thì quan sát bên trong mạch máu. “Đó là một thuận lợi lớn bởi bạn không cần phải can thiệp vào tử thi mà vẫn có thể quan sát hình ảnh phóng to dưới dạng 3 chiều để từ đó phân tích nguyên nhân tử vong”, ông nói. Ngoài ra, một lợi điểm nữa của kỹ thuật khám nghiệm tử thi ảo là hồ sơ khám nghiệm được lưu dưới dạng kỹ thuật số nên có thể dễ dàng chia sẻ qua mạng Internet.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng giáo sư Thali khẳng định kỹ thuật xét nghiệm tử thi ảo chưa thể thay thế phương pháp truyền thống trong một sớm một chiều. “Hiện tại, qui trình khám nghiệm truyền thống tuy rất xưa cũ nhưng vẫn là tiêu chuẩn vàng. Chúng tôi có thể sử dụng “virtopsy” để khám nghiệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông nhưng chưa thể áp dụng cho nạn nhân chết vì cúm A (H1N1)”, giáo sư Thali cho biết.