Khe nứt mở ra 14 tiếng trong từ trường Trái đất
Một vết nứt xuất hiện trong từ trường Trái đất hôm 7/7 và duy trì trạng thái hở suốt 14 tiếng, tạo ra luồng gió mạnh và hiện tượng cực quang.
Vết nứt trong từ trường Trái đất sinh ra do một hiện tượng hiếm gặp gọi là vùng tương tác đồng xoay (CIR) từ Mặt trời. CIR là những cấu trúc plasma lớn hình thành ở các vùng vĩ độ thấp và trung bình của nhật quyển - vùng bao quanh Mặt trời gồm từ trường Mặt trời và gió Mặt trời - khi các luồng gió Mặt trời nhanh và chậm tương tác với nhau. Giống như các vụ phun trào nhật hoa (CME), các CIR phóng từ Mặt trời về phía Trái đất có thể chứa sóng xung kích và từ trường nén gây ra các hiện tượng thời tiết không gian đặc biệt, trong đó có cực quang.
Bắc cực quang xuất hiện trên bầu trời hôm 7/7.
CIR lần này lao vào từ trường Trái đất sớm ngày 7/7 và gây ra một cơn bão địa từ cấp G1 trong thời gian khá dài. Các nhà phân tích tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng một CME đã được lồng vào gió Mặt trời trước CIR.
Các vết nứt xuất hiện trong từ trường Trái đất không phải điều bất thường. Từ trường hoạt động như một lá chắn bảo vệ hành tinh xanh khỏi những cơn bão phóng ra từ Mặt trời. Các nhà khoa học từng cho rằng chúng mở ra và khép lại tương đối nhanh, nhưng sau đó phát hiện chúng có thể mở nhiều giờ.
"Chúng tôi phát hiện lá chắn từ trường của Trái đất bị khá nhiều 'gió lùa', giống như một ngôi nhà với cửa sổ bị kẹt ở trạng thái mở trong một cơn bão. Ngôi nhà làm chệch hướng phần lớn cơn bão, nhưng chiếc ghế vẫn bị phá hủy. Tương tự, lá chắn từ trường của Trái đất chịu phần lớn sức mạnh của bão không gian, nhưng một phần năng lượng vẫn tràn vào qua các khe nứt, đôi khi đủ để gây rắc rối cho vệ tinh, hệ thống điện và liên lạc vô tuyến", Harald Frey, tác giả chính của một nghiên cứu về từ trường Trái đất năm 2003, cho biết.
Video: Harlan Thomas
Sự kiện hôm 7/7 có vẻ không gây ra bất cứ sự cố mất điện hay mất liên lạc vô tuyến nào, thay vào đó cực quang rực rỡ lại xuất hiện trên bầu trời Canada và Mỹ. Mặt trời đang dần đi tới giai đoạn hoạt động mạnh nhất trong chu kỳ Mặt trời (tháng 7/2025) và có nhiều hoạt động khác thường. Người yêu thiên văn hiện đã có nhiều cơ hội để quan sát cực quang, và cơ hội sẽ ngày càng lớn hơn trong 3 năm tới.
- Nhật Bản khởi động dự án nghiên cứu lực hấp dẫn nhân tạo
- Tại sao loài "động vật hạnh phúc nhất thế giới" có nguy cơ tuyệt chủng?
- Phát hiện "rượu"... trôi trong vũ trụ: Liên quan đến sự ra đời của chúng ta