Khoa học không có khả năng hấp thụ?
15 chương trình khoa học – công nghệ của thành phố trong giai đoạn 2006 – 2010, dù đã đạt được một số kết quả, nhưng chưa tương xứng với đội ngũ khoa học của TP.HCM.
Tại hội nghị Ban chủ nhiệm các chương trình KH-CN do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức vào hôm 31/5, nhiều nhà khoa học đã kiến nghị thành phố “phá rào” trong cơ chế quản lý, xét duyệt và nghiệm thu đề tài như hiện nay.
Nên khoán theo đề tài
GS.TS Trương Đình Kiệt, cần “phá rào” trong nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Thái Ngọc). |
TS Trần Du Lịch, Nguyên viện trưởng viện kinh tế Viện Kinh tế phát triển TP.HCM cho rằng: thành phố đầu tư tài chính cho KH-CN không ít, nhưng thực tế là đã sử dụng không hết khoản kinh phí này. “Khoa học đang nằm trong tình trạng không có khả năng hấp thụ”- TS Lịch, nói.
Dù xã hội, kinh tế đã có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình hiện nay, nhưng quản lý, nghiên cứu khoa học vẫn theo kiểu của 40 năm trước. “Để kích thích được những nhà nghiên cứu cần xây dựng lộ trình đổi mới công tác quản lý KH-CN như đã từng mạnh dạn với cách làm “dò đá qua sông”, “phá rào” trước đây.
Có như thế mới nâng được thế và lực để lôi kéo đội ngũ nhà khoa học giỏi tham gia nghiên cứu”, GS.TS Trương Đình Kiệt, Chủ nhiệm chương trình y tế và bảo hộ lao động của TP.HCM kiến nghị.
Các nhà khoa học tại hội nghị trên đều yêu cầu thành phố xem xét áp dụng ngay cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học theo từng đề tài, chứ không theo mô hình nghiệm thu đề tài như hiện nay.
Cho phép ký trực tiếp với cá nhân
TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM có ý kiến: “Cần đổi mới thành viên hội đồng, chứ quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu người, dễ đi vào lối mòn”. Mặt khác, từ xưa đến giờ Việt Nam có quan niệm đã làm đề tài nghiên cứu là phải thành công. Tại sao chưa thể chấp nhận mạo hiểm trong khoa học như nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
“Một chuyên đề 12 triệu đồng, yêu cầu phải viết 35 trang, cỡ chữ 14. Làm khoa học mà theo kiểu đếm chữ, đếm trang quy tiền mà không tính đến hàm lượng khoa học”- TS Trần Du Lịch bức xúc với cơ chế thanh quyết toán kinh phí đề tài nghiên cứu như hiện nay.
Về khía cạnh pháp lý trong đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, đòi hỏi phải có cơ quan chủ trì, TS.KTS Võ Kim Cương đặt lại vấn đề: Có cần cơ quan chủ trì trong nghiên cứu không? Theo ông, cơ quan chủ trì này đã lấy bớt đi khoản kinh phí trong nghiên cứu. Vậy tại sao không ký hợp đồng nghiên cứu trực tiếp với nhà khoa học?
TS Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng: Cơ quan chủ trì chỉ có thể nhắc nhở, nhưng lại không có cách gì để chế tài nhà khoa học của đơn vị nghiên cứu. Do vậy, không nhất thiết phải cần đến cơ quan chủ trì.
Trong khi đó, TS Dương Hoa Xô phàn nàn: “Việc đi làm chứng từ quyết toán tốn thời gian và khó gấp 3 – 5 lần so với nghiên cứu. Có người đã làm đề tài một lần, không dám làm với cơ quan nhà nước nữa, mà chỉ đi làm với doanh nghiệp, các tổ chức”.
Theo ông Phan Minh Tân Giám đốc sở KH-CN TP.HCM, chuyện khoán kinh phí trong nghiên cứu, sở đang xem xét. Hiện sở đang áp dụng với Viện Khoa học công nghệ tính toán mô hình đề tài nghiên cứu không cần hội đồng xét duyệt, nghiệm thu.
Chỉ cần đưa đề cương cho hai nhà khoa học cùng lĩnh vực để phản biện. Sau đó, thực hiện nghiên cứu và tự đánh giá mục tiêu, kết quả đặt ra. Cách làm mới này, bước đầu cho thấy là “gọn nhẹ và hiệu quả rất tốt”.
15 chương trình khoa học – công nghệ, của TP.HCM gồm: CNTT và hệ thống thông tin địa lý; công nghệ sinh học; vật liệu mới; công nghiệp và tự động hóa; quản lý đô thị; bảo vệ môi trường tài nguyên; an ninh quốc phòng; xã hội nhân văn và đổi mới cơ chế quản lý; giáo dục và đào tạo; thể dục thể thao; nghiên cứu cơ bản; công nghệ năng lượng; nông nghiệp và công nghệ thực phẩm; y tế và bảo hộ lao động; vườn ươm sáng tạo khoa học trẻ. Trong 5 năm qua, đã 712 đề tài, dự án được xét duyệt (196 đề tài được đặt hàng), với tổng kinh phí trên 263 tỷ đồng. Có 581 đề tài, dự án đã được nghiệm thu và 27 đề tài đã được hỗ trợ triển khai. |