Khối đá nuốt chửng và "niêm phong" 20 quái thú suốt 136 triệu năm
Khối đá nặng 9 tấn có thể là một... vũng cát lún bị hóa thạch, nơi hàng loạt quái thú kỷ Phấn Trắng đã sa lầy, chủ yếu là loài Utahraptors nhỏ bé nhưng cực kỳ hung dữ.
Các nhà khoa học ở bang Utah (Mỹ) đang kêu gọi tài trợ để tiếp tục nghiên cứu khi họ tìm thấy bằng chứng rõ ràng là một khối đá nặng 9 tấn tìm thấy vài năm trước không chỉ chứa một vài chiếc xương khủng long, mà "niêm phong" cùng lúc nhiều quái thú khác nhau trong một quá trình hết sức lạ lùng.
Tảng đá đầy khủng long được phủ thạch cao bảo vệ khi di chuyển - (Ảnh: DESERET NEWS)
Theo Deseret News, tảng đá bí ẩn được phát hiện từ hệ tầng núi Cedar, thuộc vườn quốc gia Arches ở bang Utah từ khoảng 20 năm trước, nhưng không được nghiên cứu đủ nhanh và cụ thể vì thiếu chi phí. Những cuộc nghiên cứu tỉ mỉ gần đây bất ngờ cho thấy nó vô cùng giá trị. Nó không chỉ có một xương đùi, một xương chảy, một cái hàm dưới lộ ra gần bề mặt mà có khoảng 20 "quái thú" khác, có thể là không toàn vẹn, đan xen chi chít sâu bên trong khối đá.
Nói với AP, nhà cổ sinh vật học - địa chất học James Krikland từ Cơ quan Khảo sát địa chất Utah cho biết có ít nhất 4 con non cùng một loài chưa từng biết, rất thú vị, to cỡ con gà tây trong số 20 cá thể bị niêm phong trong đá.
Các nhà địa chất kết luận rằng phiến đá này ban đầu là một vũng cát lún. Có vẻ một con khủng long ăn cỏ không may đã bị mắc kẹt, chết dần trong vũng cát lún, sau đó một bầy Utahraptors, một loài khủng long ăn thịt nhỏ bé nhưng hung dữ, đã kéo tới để ăn con vật xấu số.
Kết quả là cả bầy sa lầy theo. Sau 136 triệu năm, vùng cát lún hóa thạch thành một khối đá khổng lồ, giấu trong mình toàn bộ số quái thú kỷ Phấn Trắng mà nó đã bắt giữ.