Khởi động dự án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản
Các máy sục khí nhỏ gọn được ví như các nhà máy xử lý nước được đặt chìm xuống lòng sông với lời hứa hẹn chỉ trong 3 ngày sẽ tạo ra điều khác biệt.
Ngày 16/5, tại đầu nguồn sông Tô Lịch (Hà Nội) đã diễn ra lễ khởi động dự án "Tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Sông Tô Lịch chảy qua trung tâm thủ đô, từ một con sông thơ mộng đã trở thành "con sông chết" do hằng ngày phải tiếp nhận đến 150 nghìn m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả vào.
Đầu nguồn sông Tô Lịch ngày trước nối liền với Sông Hồng và hồ Tây, tạo ra dòng chảy thường xuyên. Tuy nhiên từ khi người Pháp chặn dòng để xây dựng phố Cầu Gỗ, con sông này không còn lưu lượng nước lớn nữa mà chỉ còn lưu lượng hạn chế với lưu vực là các khu dân cư của thành phố.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Tuấn Anh, CT HĐQT công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt tin tưởng vào sự thành công và hiệu quả của dự án. Khẳng định dự án sẽ cải thiện đáng kể môi trường, khắc phục mùi hôi thối nồng nặc và sẽ "tái sinh" dòng sông Tô Lịch.
Những chiếc máy với thiết kế khá đơn giản và nhỏ gọn. Theo nhà đầu tư, những chiếc máy này có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên một ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận trong cùng thời gian. Từ đó có thể kỳ vọng nước thải luôn được xử lý triệt để mà không có tình trạng lưu lắng, gây bốc mùi ở sông Tô Lịch.
Các máy xử lý chạy bằng năng lượng điện, được đặt chìm dưới lòng sông, tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng ô xi, xử lý bùn thải, tạo nên dòng nước trong lành hơn.
Một chiếc máy xử lý nước đã được đặt ngay trước một cống nước thải và đang bắt đầu hoạt động.
Chuyên gia Nhật Bản thuyết minh về công năng của những chiếc máy ngay tại bờ sông Tô Lịch.
Hiện tại dự án mới chỉ triển khai một số máy xử lý nước tại đầu nguồn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Theo thông tin từ ban tổ chức, chỉ trong vòng 3 ngày thì những chiếc máy này đã có thể tạo ra điều kỳ diệu.
Trong những ngày nắng nóng và ngột ngạt sắp tới, có lẽ người dân thủ đô sẽ "nín thở" để chờ đợi sự thay đổi kỳ diệu như kỳ vọng ở đoạn sông này.