Không thể phát triển thủy điện bằng mọi giá
Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa đưa ra khuyến cáo, không thể xem thủy điện là nguồn năng lượng sạch và rẻ để phát triển vì các công trình thuỷ điện có tác động tiêu cực tới môi trường.
>>> Biến đổi khí hậu: Nguy hiểm cho các công trình
Các nhà khoa học VRN không phủ nhận vai trò tích cực của thủy điện đối với phát triển kinh tế và xã hội, nhưng những công trình thủy điện phát triển ồ ạt trên tất cả các lưu vực sông đã tác động tiêu cực tới môi trường, sinh thái, sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực.
"Phát triển thủy điện dù được phép thêm từ "bền vững" cũng là một bài toán đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường - xã hội. Không thể xem thủy điện là nguồn năng lượng sạch và rẻ để phát triển với bất cứ giá nào - bất cứ ở đâu", thông báo VRN nêu rõ.
Thủy điện Sông Tranh 2 - nơi xảy ra sự cố rò rỉ nước gây hoang mang, lo
lắng cho chính quyền Quảng Nam trong nhiều tháng qua. (Ảnh: Trí Tín)
Theo VRN, cộng đồng và người dân phải di dời do xây dựng thủy điện là những người phải chịu thiệt thòi nhất, hy sinh nhiều nhất kể cả vật chất, tinh thần và văn hóa bản địa cho lợi ích của chung và của chính nhà đầu tư.
Các chuyên gia VRN kiến nghị, kế hoạch phát triển thủy điện cần được các cấp ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường, văn hóa các cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân. Theo đó khi xây dựng thủy điện nhất thiết phải có kịch bản liên quan đến các sự cố đập và các phương án phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng liên quan trong phạm vi ảnh hưởng của đập.
Tiến sĩ Đào Trọng Hưng, thuộc VRN nhận định, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ nhưng xâm lấn rừng rất lớn. Ông Hưng lo ngại việc xây dựng công trình thủy điện tràn lan đã gây ra tình trạng hàng loạt "dòng sông chết", ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
"Thủy điện có thể gây ra hệ quả như mất rừng, ảnh hưởng đến khu bảo tồn đa dạng sinh học, mất đất sản xuất do xói mòn, bồi lắng lòng hồ, thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, gây địa chấn động đất, ô nhiễm nguồn nước", ông Hưng nói.
Việt Nam hiện có 2.360 con sông có độ dài hơn 10km. Theo sơ đồ quy hoạch, nếu như năm 2009 tổng công suất thủy điện trong nước là 9.200MW thì đến năm 2020 tăng lên 17.400MW, chiếm hơn 23% trên tồng các nguồn điện năng quốc gia. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức con người và thiên nhiên cho thấy: Trung bình 1MW công trình thủy điện mất đến 16 ha rừng.