Kim tự tháp “mất tích” được phát hiện bị chôn vùi ở Ai Cập
Các nhà khảo cổ học thông báo kim tự tháp cổ đại của một pharaoh Ai Cập vừa được tái phát hiện sau khi bị chôn vùi hàng thế hệ.
Kim tự tháp này được cho là nơi chứa ngôi mộ của Vua Menkauhor, người cai trị vào triều đại thứ 5 của Ai Cập trong vòng 8 năm , khoảng giữa những năm 2400 trước Công nguyên.
Từ lâu trước khi chỉ còn lại nền, công trình này được biết dưới cái tên Số 29 hoặc “Kim tự tháp không đầu”. Nó được nhà khảo cổ học Karl Richard Lepsius người Đức nhắc đến vào giữa thế kỷ 19.
Sau đó nó biến mất dưới lớp cát của Saqqara, một khu phức hợp chôn cất hoàng gia nằm ngổn ngang gần Cairo ngày nay.
Nó khiến các nhà khảo cổ Ai Cập mất khoảng 1 năm rưỡi chỉ để loại bỏ cát bên trên kim tự tháp.
Theo Zahi Hawass, tổng thư ký Hội đồng khảo cổ tối cao Ai Cập, “Sau thời của Lepsius, vị trí của kim tự tháp bị thất lạc và cấu trúc phụ của kim tự tháp chưa từng được biết đến. Nó bị mọi người quên lãng trước khi chúng tôi bắt đầu tìm kiếm khu vực này và một đồi cát có lẽ cao đến 7,6m.”
Các nhà khảo cổ học thông báo vào ngày 5 tháng 6 vừa qua họ đã phát hiện phần nền biến mất từ lâu của một kim tự tháp Ai Cập cổ tại vùng đất chôn cất hoàng gia Saqqara. Bị chôn vùi trong cát qua nhiều thế hệ, công trình mới được khai quật này có thể chứa ngôi mộ của Menkauhor, người cai trị cách đây 4.000 năm. Họ cũng thông báo phát hiện ra một con đường hành lễ mang tên Con đường Nhân sư. (Ảnh: Mohamed Megahed) |
Đầu mối Cựu quốc
Không có gì trên kim tự tháp chỉ ra cụ thể tên chủ nhân, và phần lớn công trình này đã bị tàn phá, vì vậy các nhà khảo cổ Ai Cập phải liên kết các đầu mối với nhau để xác định nó.
Các nhà khảo cổ trong quá khứ từng tranh cãi về niên đại của kim tự tháp, thường cho là hoặc thuộc Cựu quốc, từ 2575 đến 2150 trước Công nguyên, hoặc thuộc Vương quốc trung đại, từ 1975 đến 1640 trước Công nguyên.
Nhưng công trình gần đây xác định rằng kim tự tháp thiếu những mê cung quanh co điển hình của một ngôi đền thời Vương quốc trung đại. Thay vào đó, theo Hawass, sự thiếu hụt các tác phẩm nghệ thuật và hình khắc, cũng như các khối đá gra-nit đỏ, là điển hình cho các kim tự tháp thời Cựu quốc.
Những kim tự tháp xung quanh cũng hướng đến chủ nhân kim tự tháp này là Menkauhor, vì người ta không phát hiện được ngôi mộ của ông. “Có những kim tự tháp của nhà vua bị mất tích, đây là một trong số chúng.”
Con đường thiêng liêng
Các nhà khảo cổ cũng tuyên bố phát hiện những phần mới của một con đường thiêng liêng, có từ thời Ptolema, khoảng 2000 năm sau Cựu quốc. Phát hiện này cho thấy tầm quan trọng lâu dài của Saqqara, đặt tại thủ đô cổ đại Memphis.
Ola El Aguizy, giảng viên cổ ngữ Ai Cập tại ĐH Cairo, cho biết: “Trong suốt toàn bộ lịch sử Ai Cập, Memphis và Saqqara có vị trí rất quan trọng. Tôi đang khám phá mộ của những người thuộc triều đại thứ 26 ở Saqqara tái sử dụng ngôi mộ từ triều đại thứ 19. Đây là một nơi thiêng liêng, và vì vậy nhiều người quan trọng muốn được chôn cất ở đây”.
Một lý do nữa khiến mọi người đều muốn được chôn ở Saqqara là vì con đường thiêng liêng, được dùng trong đám rước xác ướp bò của vị thần cai quản người chết, Osiris.
“Osiris được tôn lên ngôi vua và sau khi ông chết họ cử hành lễ tang cho ông như một vị vua”. Những con bò cũng có tầm quan trọng lịch sử: cái chết của chúng được dùng để xác định thời gian cai trị của một pharaoh.
“Đây cũng là một trong những cách xác định niên đại của các pharaoh. Đôi khi chúng ta biết bao nhiêu con bò chết trong thời gian tại vị của một vị vua và ngược lại”.
Hy vọng vào nhiều khám phá mới
Con đường thiêng liêng này, đầu tiên do nhà khảo cổ học người Pháp Auguste Mariette phát hiện vào năm 1850, có tên gọi khác là Con đường của Nhân sư vì hàng tượng dài trên đường thường được phát hiện tại những cánh cổng ngôi đền Ai Cập.
“Tên ngày nay của thủ đô Memphis cổ là Mit Rahina… có nghĩa là con đường Nhân sư.”
Các nhà khảo cổ học hy vọng con đường này sẽ dẫn đến nhiều phát hiện trong vùng. Các kế hoạch đang được triển khai nhằm tái định cư những công nhân hiện đại đang sống trong một ngôi làng bên cạnh khu vực khảo cổ Menkauhor để mở rộng tìm kiếm nhiều ngôi đền khác.
“Khi tôi nói rằng chúng tôi vừa phát hiện 30% các công trình Ai Cập cổ, tôi sẽ lấy Saqqara làm ví dụ đầu tiên. Saqqara là khu vực còn nguyên sơ. Nó rất quan trọng đối với chúng tôi trong quá trình khai quật nhằm tìm hiểu thêm về các kim tự tháp của Cựu quốc.”