Kỳ lạ bé gái 15 tuổi ở Ấn Độ khóc ra sỏi đá
Thay vì khóc ra nước mắt, một bé gái 15 tuổi sống tại vùng nông thôn ở Ấn Độ được cho là đã khóc ra những viên đá nhỏ trong suốt 2 tháng qua.
Chandni, 15 tuổi, với những viên đá được lấy ra từ mắt cô bé. (Ảnh: O.C).
Theo trang Oddity Central (Anh), theo lời kể của Chandni, 15 tuổi, sống ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), những viên đá nhỏ bắt đầu rơi ra từ mắt cô bé từ ngày 17/7. Kể từ đó, mỗi ngày cô bé đều lấy ra khoảng 10 đến 15 viên đá từ mắt mình.
Suốt hơn 2 tháng kể từ khi ghi nhận hiện tượng kỳ lạ này, cô bé đã thu được tổng cộng 70 viên đá nhỏ. Chandni cho biết cô bắt đầu "khóc" ra những viên đá nhỏ từ khoảng 6 giờ sáng và thường xuyên phải lấy những vật thể này ra khỏi mắt cho đến tối. Tuy nhiên, những viên đá không "hình thành" trong mắt cô bé vào ban đêm.
Trong một đoạn video ngắn được lan truyền trên mạng xã hội cách đây vài ngày, có thể thấy hốc mắt trái của cô bé này bị lồi lên. Sau khi được một người lấy tay xoa mắt, một viên đá nhỏ đã rơi xuống tà áo của Chandni. Một viên khác cũng xuất hiện và rơi xuống từ mắt phải của cô.
Gia đình và những người thân của Chandni ở làng Gadiya Balidaspur tin rằng cô bé thực sự đang khóc ra sỏi đá. Tuy nhiên, các bác sĩ nhãn khoa khẳng định đó là điều không thể.
Tiến sĩ Awadhesh Kumar, bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng tại Ấn Độ, cho biết không có bằng chứng khoa học nào có thể lý giải trường hợp kỳ lạ này. Ông cho rằng có thể cô bé đã tự đưa những viên đá vào mắt để gây chú ý hoặc có ai đó đã buộc Chandni làm điều này.
Tiến sĩ Neeraj Gupta, Giám đốc Bệnh viện Mắt Durga, cũng khẳng định hiện tượng hy hữu này không có cơ sở y học và giống như một sự việc lừa đảo. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình của Chandni không có đủ kinh phí để đưa cô bé đến gặp các chuyên gia y tế. Vì vậy, bí ẩn về tình trạng của cô bé hiện vẫn chưa thể giải đáp.
Trước đây, truyền thông cũng đã đưa tin về các trường hợp hy hữu xảy ra ở mắt, như khóc ra máu, khóc ra bông. Thậm chí một người phụ nữ ở Anh còn khóc ra những hạt thủy tinh lấp lánh vì mắc căn bệnh hiếm gặp, được gọi là chứng lắng đọng thủy tinh thể do axit, có tên là cystine.