Kỳ lạ những cột ánh sáng mọc tua tủa ở Siberia
Các cư dân TP Tyumen ở khu vực Siberia - Nga vừa chứng kiến một hiện tượng hiếm gặp vào đêm đầu tiên của mùa đông khi những cột ánh sáng như tô màu xanh lam và cam cho bầu trời trước bình minh.
Khi nhìn lên bầu trời vào ban đêm, người dân địa phương có thể nhìn thấy nhiều chùm tia sáng lóng lánh sắc màu thẳng đứng. Chúng chiếu sáng khắp nơi cho đến khi mặt trời mọc.
Nhiều người dân đổ ra ngoài đường để chụp ảnh hiện tượng này để chia sẻ trên mạng xã hội, theo kênh RT (Nga).
Đối với những người giàu trí tưởng tượng, cảnh tượng này có thể trông giống như một cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh. Những cột ánh sáng lấp lánh như tia sáng phát ra từ các đĩa bay hạ cánh xuống TP Tyumen để triển khai lực lượng ngoài Trái đất.
Những cột ánh sáng màu xanh lam và cam trên bầu trời Siberia. (Ảnh: Tote Licht - Ruptly).
Tuy nhiên, dường như người dân địa phương không hề hoảng sợ vì các cột ánh sáng này không phải quá hiếm ở đó.
Theo lý giải của các nhà khoa học, đây là hiện tượng quang học xảy ra ở thời điểm sau hoàng hôn và trước bình minh. Khi đó, mặt trời ở gần hoặc dưới đường chân trời trong nhiệt độ dưới âm 20 độ C và độ ẩm cao.
Hiệu ứng ngoạn mục này được tạo ra bởi sự phản chiếu ánh sáng từ các tinh thể băng nhỏ lơ lửng trong khí quyển hoặc hình thành các đám mây trên cao.
Người ta có thể ngắm nhìn những cột ánh sáng lấp lánh sắc màu này vào bất kỳ lúc nào trong đêm.
- Đào ruộng bắp, phát hiện "pháo đài châu báu" 2.000 tuổi
- Một phần ba trọng lượng của máy giặt cửa ngang là bê tông
- Vì sao chưa bao giờ có ô tô thực sự chạy được bằng nước?