Kỹ thuật xây cầu của Trung Quốc lập nhiều kỷ lục mới

Các kỹ sư Trung Quốc phát triển kỹ thuật tiên tiến nhằm xây những cây cầu ở vùng đồi núi hiểm trở đầy thách thức.


Cầu bắc qua sông Jiangjie ở tỉnh Quý Châu. (Ảnh: CFP).

81 cá nhân và 50 tập thể được vinh danh tại Giải thưởng kỹ sư toàn quốc nhờ đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ xây dựng tại Bắc Kinh hôm 19/1, theo CGTN. Một trong những đội đoạt giải bao gồm các kỹ sư ở tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc. Họ phát triển 7 kỹ thuật hiện đại và xây 12 cây cầu hàng đầu thế giới bất chấp điều kiện địa lý khó khăn, môi trường sinh thái mong manh và nhiều thách thức khác.

Hôm 11/1, quá trình nối vòm chính của cầu Wumengshan trên đường cao tốc Nạp Ung - Tình Long hoàn tất. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật nâng nhấc đúc sẵn toàn bộ được sử dụng ở vùng đồi núi trên thế giới. Zhang Shenglin, thành viên đội kỹ sư đạt giải, cho biết ở những hẻm sâu bên trong dãy núi, họ xây đường hầm ở cả hai đầu cầu. "Thông thường, chúng tôi phải sử dụng một cỗ máy dựng cầu lớn để xây dựng. Thay vào đó, chúng tôi ứng dụng hệ thống nâng nhấc để lắp đặt mọi bộ phận, giúp tăng hiệu quả", Zhang nói.

Theo Han Hongju, trưởng nhóm kỹ sư, chia sẻ khi họ xây cầu Beipanjiang trên đường cao tốc Quan Hưng, không có con đường nào dẫn tới địa điểm thi công dự kiến. Tất cả vật liệu phải vận chuyển bằng sức người hoặc ngựa. Quãng đường từ cơ sở của họ tới cây cầu dự kiến dài hơn 10 km và mất khoảng 4 giờ để di chuyển.

Một cây cầu treo bắc qua hẻm núi lớn phía trên sông Hoa Giang ở tỉnh Quý Châu sẽ là cây cầu cao nhất thế giới sau khi thông xe vào đầu năm 2025. Với chiều cao 625 m từ sàn cầu tới mặt nước, cầu hẻm núi sông Hoa Giang dài tổng cộng 2.980 m. Nhịp chính của cầu là 1.420 m. Cấu trúc chính của cầu hoàn thiện năm 2024. Sau khi đi vào hoạt động, cây cầu sẽ giảm thời gian di chuyển qua hẻm núi từ 70 phút xuống còn một phút, góp phần xúc tiến du lịch và hiện đại hóa nông thôn trong vùng.

Một cây cầu khác bắc qua sông Jiangjie cũng ở Quý Châu do nhóm nghiên cứu đoạt giải xây dựng không chỉ thúc đẩy giao thông địa phương mà còn đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và sinh thái. Mu Jinwei, một thành viên trong nhóm, cho biết vật liệu họ dùng để xây dựng đều là đất tái chế và đá thải từ thi công lòng đường. Với đột phá trong công nghệ bê tông cát trộn máy, lượng vật liệu dùng cho xây dựng cầu vượt 100 triệu m3, tiết kiệm chi phí hơn 3,19 tỷ USD và giảm hơn 3,3 triệu tấn khí thải chứa carbon, theo Mu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất