Làm thế nào để tránh bệnh tật do thực phẩm gây ra?

Bệnh tật do thực phẩm gây ra là điều rất nhiều người gặp phải khi sử dụng đồ ăn không đảm bảo. Vậy làm sao để tránh được điều này?

Mùa hè đến, nhiều người sẽ tổ chức tiệc tùng, ăn uống hoặc tham gia các chuyến dã ngoại. Nhưng rồi, trong quá trình đó, một số thực phẩm bị hỏng sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Không ai muốn bị ngộ độc thực phẩm nhưng làm thế nào để biết được bản thân đã ăn đồ ăn hỏng hay chưa.

Có 2 loại vi sinh vật liên quan đến thực phẩm tồn tại chung. Loại đầu tiên là vi sinh vật gây bệnh và loại thứ 2 là vi sinh vật làm cho thực phẩm có hình dạng, mùi vị khó chịu, nói cách khác chúng làm cho đồ ăn bị hỏng.


Ăn thực phẩm hỏng là ý kiến tồi và khi gặp phải hãy ném chúng đi.

Thông thường, khá dễ dàng để biết loại vi sinh vật thứ 2 đã xâm nhập vào thực phẩm hay chưa. Với đồ ăn rắn, biểu hiện sẽ là sự phát triển của nấm mốc. Với chất lỏng, biểu hiện sẽ là chúng có màu đục, bị vón cục và thường có mùi hôi. Ăn thực phẩm hỏng là ý kiến tồi và khi gặp phải hãy ném chúng đi.

Những quy tắc trong nhà bếp

Các vi sinh vật gây bệnh trong thực phẩm hoạt động "lén lút" hơn nhiều. Chúng thường gây ra nôn mửa, tiêu chảy, sốt... và thông thường không thể phát hiện mầm bệnh bằng khứu giác hoặc thị giác. Vì vậy, việc xử lý và bảo quản đúng cách cũng như biết khi nào cần vứt đồ ăn thừa đi là rất quan trọng.

Quy tắc đầu tiên của an toàn thực phẩm là phải giữ cho khu vực chuẩn bị đồ ăn luôn sạch sẽ. Hãy xây dựng cho bản thân thói quen luôn rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm. Cùng với đó, hãy đảm bảo rằng bạn rã đông thịt ở bên trong tủ lạnh chứ không phải trên mặt bàn bếp. Khi thịt đông lạnh ở nhiệt độ phòng, bề mặt bên ngoài của nó sẽ ấm nhanh hơn bên trong tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi.

Đồng thời, không được dùng chung thớt cho việc thái thịt và thái trái cây, rau. Trong nhà bếp, hãy chuẩn bị 2 cái thớt để phân chia công việc cho 2 nhiệm vụ kể trên. Bạn cũng nên dùng các loại dao, đĩa, dụng cụ khác nhau để chế biến thịt sống và luôn đặt thịt đã nấu chín lên đĩa sạch.


Không được dùng chung thớt cho việc thái thịt và thái trái cây, rau.

Bạn cũng không nên rửa sạch thịt sống hoặc thị gà trong bồn rửa vì cách đó sẽ làm lây lan vi khuẩn trong không gian bếp. Tuy nhiên, nếu vẫn khăng khăng khăng làm việc này, hãy vệ sinh bồn rửa bằng chất kháng khuẩn sau khi thức ăn đã được chuyển đi.

Mọi mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt bằng cách nấu chín thịt đến nhiệt độ khuyến nghị. Vì vậy, hãy đầu tư một chiếc nhiệt kế trong nhà bếp. Về cơ bản, thì bò sạch vi khuẩn ở nhiệt độ 71 độ C, 74 độ C với gia cầm, 63 độ C với cá và giăm bông. Sau khi đã nấu chín thức ăn, hãy giữ nó nóng ở nhiệt độ 60 độ C hoặc cao hơn. Nếu đồ ăn quá nhiều và chưa chuyển đi hết, cần để nó trong tủ lạnh, đặc biệt là trong những tháng mùa hè nóng nực.

Xử lý đồ ăn thừa

Sau khi bữa ăn kết thúc, đừng để thực phẩm thừa còn lại trên bàn, hãy chuyển chúng vào tủ lạnh một cách nhanh chóng. Đồ ăn thừa khi để ở trên bàn ăn hoặc cất bên ngoài mà không cho vào tủ lạnh sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.

Ruth S. MacDonald, giáo sư tại Đại học bang Iowa, cho biết: "Cách đây đã lâu, tôi dự lễ tạ ơn ở nhà người thân, phía bắc Minnesota. Sau bữa tối, họ cất đồ ăn ở mái hiên có màn che. Bên ngoài nhiệt độ khoảng dưới -6 độ C nhưng đó không phải là ý tưởng tốt, vì thời tiết thay đổi nhanh chóng và nhiệt độ dao động dẫn đến nguy cơ mầm bệnh phát triển".


Sau khi bữa ăn kết thúc, hãy chuyển chúng vào tủ lạnh một cách nhanh chóng.

Hầu hết thực phẩm nấu chín đều an toàn để sử dụng trong vòng 3 - 4 ngày, nếu được cất giữ trong tủ lạnh. Sau đó, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng lên. Nếu có quá nhiều đồ ăn thừa cùng một lúc, hãy cất nó bớt vào ngăn đá và đảm bảo nấu lại chúng ở nhiệt độ 74 độ C trước khi ăn.

Bánh mì, bánh ngọt, bánh nướng và bánh quy được làm trong nhà bếp có thời hạn sử dụng ngắn hơn so với các mặt hàng mua ngoài siêu thị hay cửa hàng thực phẩm vì đồ bạn làm không có chất bảo quản. Chúng dễ bị thiu, xuất hiện nấm mốc. Nếu nhìn thấy nấm mốc xuất hiện trên đó, hãy vứt toàn bộ đồ ăn đi chứ đừng chỉ cắt bỏ những chỗ bị hỏng mà mắt thường nhìn thấy được.

Thực phẩm có độ ẩm cao sẽ hư hỏng nhanh hơn, vì nước tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, nếu làm lạnh chúng thì sẽ giúp tăng thời gian sử dụng được. Các loại bánh quy tự làm cũng phải được bảo quản trong tủ lạnh và vứt đi nếu bắt đầu thấy nấm mốc.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất