Làm thế nào để trở thành một phi hành gia?
Chúng ta thường rất quen thuộc với hình ảnh các phi hành gia làm việc ngoài không gian. Tuy nhiên, có một sự thật mà ít ai để ý: hầu hết thời gian trong sự nghiệp của họ tiêu tốn cho hoạt động đào tạo và các nhiệm vụ dưới mặt đất.
Điều kiện để trở thành một phi hành gia
Để có thể thực hiện những nhiệm vụ không gian không phải là điều đơn giản. Và nếu đã từng mơ ước trở thành một phi hành gia, bạn cũng biết rằng đó không phải chuyện một sớm một chiều. Phải mất nhiều năm đào tạo và các nhiệm vụ mặt đất để một ai đó đủ kinh nghiệm cho một nhiệm vụ không gian. Nhiều người trong số họ không thể bay dù chỉ một lần và vĩnh viễn chia tay giấc mơ. Tỷ lệ ứng viên vượt qua khóa đào tạo để trở thành một phi hành gia thực thụ là rất ít ỏi.
Như vậy, con đường để trở thành một phi hành gia gian nan đến cỡ nào? Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cách mà NASA tuyển chọn phi hành gia cho các nhiệm vụ của họ.
Trở thành một phi hành gia không phải chuyện một sớm một chiều.
Tuyển chọn ứng viên
Bước đầu tiên để trở thành phi hành gia đó là bạn phải được rèn luyện để có kinh nghiệm ở các lĩnh vực liên quan. Các ứng viên được chia ra làm hai loại: ứng viên quân sự và dân sự. Các ứng viên quân sự sẽ làm thủ tục nộp đơn ứng tuyển ở đơn vị công tác của họ. Mõi đơn vị sẽ có một quy trình riêng. Trong khi đó, các ứng viên dân sự nộp hồ sơ trực tiếp cho NASA.
Về học vấn, NASA muốn phi hành gia của họ phải có ít nhất một bằng cử nhân kỹ thuật, khoa học sinh học, vật lý hoặc toán học. Một số khác ngoại lệ có thể được chấp nhận như địa lý hoặc quản lí hàng không. Nhiều phi hành gia của NASA đã có bằng thạc sĩ, một số đã đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ trong lĩnh vực của họ.
Về kinh nghiệm làm việc, 3 năm là con số tối thiểu mà NASA đòi hỏi ứng viên của họ phải làm việc trong lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Một ứng viên quân sự được ưu ái hơn về kinh nghiệm. Trong khi đó, nếu là một phi công máy bay phản lực, họ phải đạt ít nhất 1000 giờ bay. Người đã có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ được giảm số năm kinh nghiệm yêu cầu.
Kiểm tra sức khỏe cho phi hành gia.
Tiếp theo vòng hồ sơ là kiểm tra sức khỏe. Đây là các yêu cầu tối thiểu:
- Tầm nhìn 20/20 (tự nhiên hoặc đeo kính đều được).
- Huyết áp không quá 140/90 trong trạng thái ngồi.
- Chiều cao trong khoảng 1m60 đến 1m90.
Mục đích cuối cùng của kiểm tra sức khỏe là đánh giá bạn có thể trạng tốt nhất cho những trường hợp khẩn cấp như trở về Trái Đất hay cấp cứu trong quỹ đạo hay không.
Bên cạnh kiểm thệ trạng, sẽ có một bài kiểm tra tâm lý bằng phỏng vấn. Những ứng viên phải có cả thể chất và tâm lý ổn định mới được chọn lựa. NASA qua đó cũng muốn khai thác các ứng viên linh hoạt, có kỹ năng làm việc nhóm tốt và quan trọng là một niềm đam mê khám phá học hỏi.
Đường tới chuyến bay
Vượt qua vòng tuyển chọn không có nghĩa là bạn sẵn sàng để trở thành một phi hành gia. Đường tới chuyến bay đầu tiên còn rất gian nan. Bạn sẽ được đào tạo trong vòng ít nhất 2 năm. Khóa đào tạo sẽ trang bị những kiến thức cơ bản về Trạm vũ trụ quốc tế ISS và du hành vũ trụ.
Học viên được thực hành với giả lập môi trường không trọng lực.
Các môn học kỹ năng bao gồm: lặn chuyên nghiệp, kỹ năng sinh tồn, bơi lội. Bạn sẽ được tiếp xúc với áp suất khí quyển cao và thấp, tham gia các bài tập giả lập môi trường không trọng lực. Bên cạnh đó là các khóa đào tạo giao tiếp truyền thông, tiếng Nga và một vài môn học khác.
Ngay cả khi đã tốt nghiệp, nhiều học viên đã không thể thực hiện ngay chuyến bay đầu tiên trong nhiều năm. Họ phải tiếp tục tập thêm với các nhiệm vụ giả lập. Các chuyến đi bộ mô phỏng trong phòng thí nghiệm của NASA. Những kinh nghiệm xương máu đầu tiên sẽ được hình thành trong khoảng thời gian này.
Các phi hành gia tương lai sẽ được gửi đến những cơ sở chuyên biệt để hình thành cho họ những kĩ năng riêng. Ví dụ như một khóa học với đối tác Canada chỉ để kiểm soát một cánh tay robot ngoài không gian. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình luyện tập, họ phải duy trì số giờ bay nhất định với máy bay T-38 mỗi tháng.
Các bài tập dưới nước tại trung tâm đào tạo của NASA.
Thường phải mất vài năm chờ đợi cho chuyến bay đầu tiên. Họ sẽ phải đọc hết các tài liệu hướng dẫn của các thiết bị thực tế. Sử dụng chúng trong trình mô phỏng. Các khóa đào tạo này diễn ra khắp nơi trên thế giới. Họ phải luyện tập các kỹ năng phối hợp với nhóm của mình.
NASA sử dụng hệ máy tính và cả các không gian thực thể thiết lập các chuyến bay giả lập. Các phi hành gia tương lai phải thực hành cách chuẩn bị bữa ăn, sắp xếp đồ đạc, di chuyển chúng trong không gian, quản lý rác thải, sử dụng máy ảnh và thí nghiệm chuyên môn của họ.
Như đã nói, phải mất một vài năm để đến được chuyến bay đầu tiên. Nếu một học viên hoàn thành tốt khóa đào tạo và thực hành mô phỏng, anh ta sẽ bay. Bên cạnh đó yếu tố chuyên môn cũng không ngừng được rèn luyện. Những chuyến bay trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS kéo dài trung bình 6 tháng. Một số khác kéo dài đến 1 năm. Phần lớn thời gian các phi hành gia tiêu tốn cho nhiệm vụ khoa học. Vì vậy, họ cũng cần có một niềm đam mê lớn dành cho khoa học trong môi trường đặc biệt này.