Lần đầu tiên cá mập miệng to mang thai dạt vào bờ biển
Các nhà khoa học lần đầu tiên bắt gặp xác cá mập miệng to (Megachasma pelagios) mang thai dạt vào bờ biển Barangay Ipil, Dipaculao Aurora, Philippines.
Phát hiện mới giúp xác nhận rằng cá mập miệng to là loài noãn thai sinh: trứng phát triển bên trong cơ thể mẹ và mẹ sinh ra con non, Forbes hôm 3/12 đưa tin.
Cá mập miệng to trưởng thành (phía sau) và các con non. (Ảnh: Joan Edillo/Annabelle Lapitn)
Cá mập miệng to được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976. Đây được coi là phát hiện về loài cá mập mới ấn tượng nhất cuối thế kỷ 20, theo tiến sĩ David Ebert, nhà ngư học tại Trung tâm Nghiên cứu Cá mập Thái Bình Dương. Đến nay, có chưa đến 120 cá thể từng được quan sát hoặc ghi hình và vẫn còn nhiều bí ẩn về sinh vật biển sâu này.
Cá mập miệng to có những nét đặc trưng như mõm tròn, miệng rộng và đầu phình ra. Chúng di chuyển chậm và không hung dữ, ăn những sinh vật phù du nhỏ trong khi bơi. Các nhà khoa học hiếm khi bắt gặp cá mập miệng to do chúng thích hoạt động ở vùng nước sâu và xa xôi, thường di chuyển chậm và đơn độc.
Vì vậy, phát hiện mới trên bờ biển Philippines hết sức giá trị với các nhà khoa học. Con vật dài tới hơn 5m, bề ngang khoảng 1m, ước tính nặng 400kg và đang chuẩn bị sinh con. Mỗi con non dài khoảng 1,7m, bề ngang 0,3m, nặng 40kg.
"Phát hiện mới về con cái mang thai đem đến những thông tin hữu ích về loài cá mập miệng to bí ẩn. Trường hợp đầu tiên về con cái mang thai này sẽ giúp giải đáp một số câu hỏi như có bao nhiêu con non chào đời mỗi lứa, cá mập cái trưởng thành to lớn đến mức nào, chúng sẽ sinh sản ở đâu", Ebert cho biết.
- "Bãi đáp" khổng lồ của vật thể ngoài hành tinh phá mọi kỷ lục, vượt xa vụ tiêu diệt loài khủng long
- Tàu Trung Quốc phát hiện các khối lập thể bí ẩn ở hành tinh khác
- Cận màn đẻ con của trăn mẹ khiến người xem bối rối