Lần đầu tiên chúng ta có thể quan sát rác vũ trụ vào ban ngày

Công nghệ laser kết hợp với camera siêu nhạy giúp theo dõi rác vũ trụ chặt chẽ hơn, giảm nguy cơ va chạm với vệ tinh.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Bern lần đầu tiên quan sát rác vũ trụ bằng laser trắc địa tại Đài quan sát Zimmerwald, Phys hôm 28/8 đưa tin. Laser chiếu lên sẽ phản xạ lại và phân tán ra khi gặp rác vũ trụ. Các nhà khoa học sau đó sẽ theo dấu các photon của laser bằng camera siêu nhạy có thể thu nhận tín hiệu dưới ánh sáng Mặt trời.


Lượng lớn rác vũ trụ có thể gây nguy hiểm cho vệ tinh. (Ảnh: VOX).

Rác vũ trụ là những vật thể nhân tạo không còn sử dụng tồn tại ngoài không gian. Tại một số khu vực, nguy cơ va chạm cao đến mức các vệ tinh đang hoạt động phải đều đặn điều chỉnh quỹ đạo để tránh rác vũ trụ. Hàng năm, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) xử lý hàng nghìn cảnh báo va chạm cho mỗi vệ tinh của mình và thực hiện hàng chục lần điều chỉnh quỹ đạo.

Trong phần lớn trường hợp, đối tượng có nguy cơ va chạm là một trong khoảng 20.000 vật thể rác đã biết. "Không may là giới chuyên gia không rõ chính xác quỹ đạo của rác vũ trụ gồm vệ tinh không sử dụng, tầng trên của tên lửa, các mảnh vỡ do nổ hoặc va chạm", giáo sư Thomas Schildknecht, phó giám đốc Viện Thiên văn thuộc Đại học Bern, giải thích. Do đó, các nhà khoa học thường không thể xác định xem một pha điều chỉnh quỹ đạo, thường rất tốn kém, có thực sự cần thiết và giúp giảm rủi ro hay không.

Việc đo khoảng cách đến rác vũ trụ bằng phương pháp định tầm laser vệ tinh khá hiệu quả, giúp xác định chính xác đường bay trong vòng vài mét. "Chúng tôi đã sử dụng công nghệ này ở Đài quan sát Zimmerwald trong nhiều năm để đo đạc các vật thể trang bị bộ phản xạ laser đặc biệt", Schildknecht cho biết. Nhưng trước đây, phương pháp này chỉ có thể sử dụng vào ban đêm tại một số ít đài quan sát.

"Khả năng quan sát rác vũ trụ vào ban ngày cho phép tăng số lượng phép đo. Có rất nhiều trạm quan sát trang bị laser trắc địa nên giới khoa học có thể lập danh mục quỹ đạo rác vũ trụ với độ chính xác cao trong tương lai. Việc xác định quỹ đạo chính xác hơn rất cần thiết để tránh xảy ra các vụ va chạm, nâng cao tính an toàn và bền vững ngoài không gian", Schildknecht nhận xét.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất