Lẩu Tứ Xuyên sẽ sớm có thang đo độ cay "chuẩn"
Các chuyên gia ẩm thực tại thủ phủ gia vị của Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên, đang hoàn thiện một chỉ số khoa học để đo độ cay của loại lẩu cùng tên.
Trung Quốc có động thái này sau khi một người dùng mạng yêu thích ẩm thực chia sẻ ý tưởng trên mạng xã hội. Đến ngày 11/5, ý tưởng này được hãng thông tấn chính thức của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, Sichuan Fabu, đăng tải và được nhiều người ưởng ứng. Hãng thông tấn nói thêm rằng Hiệp hội Lẩu tỉnh Tứ Xuyên đã bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng.
Lẩu Tứ Xuyên là loại lẩu nổi tiếng của Trung Quốc, thường được khách du lịch quan tâm. (Ảnh: thefooddictator).
Yan Long, Giám đốc điều hành của hiệp hội, cho biết chỉ số này sẽ giải thích và chuyển đổi độ cay thành một con số chính xác, thay cho cách mô tả chung chung hiện nay là “cay nhẹ, cay vừa, cay và siêu cay”, giúp thực khách dễ đưa ra lựa chọn phù hợp với khẩu vị hơn.
Mặc dù Trung Quốc tự hào về nhiều món lẩu, biến thể Tứ Xuyên là phổ biến nhất trên toàn quốc. Theo một báo cáo về ngành lẩu do Viện Nghiên cứu thực phẩm và đồ uống Trung Quốc công bố, số lượng nhà hàng lẩu Tứ Xuyên đứng đầu trên khắp Trung Quốc, chiếm 12,4% tổng số, tương đương 395.000 nhà hàng, vào cuối năm 2021. Không chỉ trong Trung Quốc, món ăn này cũng thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.
Ẩm thực Tứ Xuyên cũng được phục vụ ở 1/3 trong tổng số khoảng 600.000 nhà hàng Trung Quốc, tạo ra tổng giá trị 36 tỷ USD, theo Hội nghị ẩm thực Tứ Xuyên thế giới, được tổ chức tại Thành Đô vào năm 2018.
James McDougall, Giám đốc chương trình Khoa học xã hội và nhân văn tại Đại học Tứ Xuyên - Viện Pittsburgh, cho rằng sự toàn cầu hóa của các nhà hàng ẩm thực Tứ Xuyên kể từ những năm 2000 là kết quả của việc Trung Quốc tìm cách gia tăng quyền lực mềm ở nước ngoài. Món ăn Tứ Xuyên được biết đến với nhiều hương vị cay khác nhau, từ cay tê đến cay chua, được tạo ra từ các nhiều loại ớt và nguyên liệu đặc trưng.
Vị cay của các món ăn Tứ Xuyên được tạo ra từ nhiều loại ớt và gia vị đặc trưng. (Ảnh: Shutterstock).
Nhiều người tin rằng người Tứ Xuyên đã hình thành thói quen ăn đồ cay vào thời nhà Thanh (1636-1912) để chống chọi với thời tiết ẩm ướt đặc trưng của khu vực. Món lẩu Tứ Xuyên còn có nguồn gốc là “món ăn của người nghèo”, do những người công nhân bến tàu bên sông Dương Tử tạo ra để ăn nhanh hơn và rẻ hơn.
Một số người trong nghề giải thích rằng hương vị cay này trở nên phổ biến trên toàn quốc vì ẩm thực Tứ Xuyên có giá thấp hơn và tốn ít thời gian hơn để nấu và phục vụ so với các món ăn Trung Quốc nổi tiếng khác.
Ngoài ra, vì cảm giác cay từ ớt trên thực tế là cảm giác đau thay vì vị giác, nên việc tiêu thụ thực phẩm cay sẽ giải phóng endorphin và dopamine, những chất hóa học khiến con người cảm thấy dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, không phải khách du lịch trong nước và quốc tế nào cũng cảm thấy dễ chịu với vị cay. Khi biết tin Hiệp hội Lẩu tỉnh Tứ Xuyên sắp thiết lập chỉ số độ cay, một người đã bình luận trên mạng: “Cảm ơn. Tôi chỉ thích vị cay rất rất rất nhẹ". Hiện nay mức mô tả “cay nhẹ” thường thấy ở Tứ Xuyên cũng cay hơn so với các khu vực khác của Trung Quốc.
Những ý kiến khác thì cho rằng không thể thiết lập một tiêu chuẩn chung. “Những người khác nhau có cảm nhận khác nhau về độ cay. Rất khó để phục vụ cho mọi sở thích”, một tài khoản mạng xã hội bình luận.
- Video: Nguyên nhân chúng ta bị cay xé họng khi ăn ớt
- Sống gần con người, một sinh vật đang "tiến hóa ngược", não lớn bất thường
- Khoảnh khắc chiếc sofa bay trên không trung khiến nhiều người sững sờ