Liều mạng tấn công đồng loại, cá sấu suýt bị cắn đứt đuôi
Cố tình tấn công đồng loại mà không lượng sức mình, con cá sấu bé hơn bị cắn ngược vào đuôi và phải vội vàng bỏ chạy.
Trong clip, một con cá sấu nhỏ chậm rãi bò xuống áp sát một con cá sấu lớn hơn đang nằm yên bất động trong hồ nước ở Australia. Khi nó bắt đầu tấn công, con cá sấu to hơn liền há bộ hàm đồ sộ cắn trả. Do không kịp đề phòng, cả cơ thể của con cá sấu nhỏ bị dốc ngược lên cao.
Không đợi cá sấu nhỏ có cơ hội tiếp đất, cá sấu lớn tiếp tục ngoạm chặt lấy đuôi đối phương rồi quăng mạnh từ bên này sang bên kia. Được biết, con cá sấu nhỏ hơn đã may mắn chạy thoát và giữ được mạng sống. Toàn bộ màn hỗn chiến đã được một người qua đường ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội Reddit.
Cá sấu là bậc thầy săn mồi. Chúng thường bơi trực tiếp về phía con mồi nhỏ như tôm và cua, sau đó nuốt chửng. Nhưng với con mồi lớn hơn như lợn và hươu, chúng có thể rất thận trọng. Đôi khi, chúng đợi dưới nước hàng giờ liền để chờ động vật lớn tới gần uống nước, sau đó lặng lẽ đến tấn công bất thình lình ở khoảng cách một mét.
Cá sấu là bậc thầy săn mồi.
Cá sấu sẽ nhắm vào đầu hoặc chân con mồi, sau đó kéo nó xuống nước để dìm chết. Thỉnh thoảng, chúng lăn nhanh trong lúc ngoạm chặt con mồi, để làm gãy cổ hoặc chân nó.
Nhà cổ sinh vật học Gregory M. Erickson tại Đại học Florida và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu toàn diện trên tất cả những loài cá sấu còn tồn tại thông qua một bài kiểm tra lực cắn. Trong 23 loài cá sấu, loài sở hữu lực cắn mạnh nhất là cá sấu nước mặn (2,6 triệu kg/m²). Lực cắn của chúng đủ để cắn nát cả xương của con mồi.
Hành vi ăn thịt đồng loại khá phổ biến ở cá sấu. Chỉ cần đói bụng, chúng có thể giết chết những con cá sấu nhỏ hơn, kể cả các con non để tạm thỏa mãn dạ dày kêu gào đòi bổ sung dinh dưỡng.
Cá sấu còn ăn thịt cả đối thủ xâm phạm lãnh thổ. Đặc biệt, những con cá sấu lớn thường sống đơn độc và có tính chiếm hữu lãnh thổ cao, theo tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận Defenders of Wildlife.