Liệu pháp miễn dịch đẩy lùi ung thư cho cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Cựu Tổng thống Jimmy Carter bị ung thư hắc tố giai đoạn 4, sau ba tháng điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đã không còn dấu vết bệnh.

Tháng 8/2015, ở tuổi 91, cựu Tổng thống Jimmy Carter được chẩn đoán mắc ung thư hắc tố giai đoạn 4, di căn tới gan và não.

Nếu như mắc bệnh vào nhiều năm trước, cơ hội sống sót của Carter gần như bằng không. Tuy nhiên, nhờ vào cách tiếp cận mới mang tên liệu pháp miễn dịch kết hợp với hóa trị, xạ trị, bệnh ung thư của cựu Tổng thống Mỹ đã bị đẩy lùi.

Theo Cancer Research, để điều trị cho Carter, bác sĩ đầu tiên loại bỏ các khối u bằng xạ trị. Tiếp đó, bệnh nhân được sử dụng thuốc pembrolizumab (tên thương mại Keytruda), một chất ức chế chốt kiểm PD-1 để giúp hệ miễn dịch loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư.

Tháng 12/2015, ba tháng kể từ khi bắt đầu điều trị theo liệu pháp miễn dịch, cơ thể bệnh nhân không còn dấu vết ung thư. Trường hợp của Carter cho thấy liệu pháp miễn dịch không chỉ hiệu quả với trẻ em bị ung thư mà còn tác dụng đối với bệnh nhân lớn tuổi.

Sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, liệu pháp miễn dịch được xem là đột phá trong điều trị ung thư. Liệu pháp do hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học 2018 là giáo sư James P. Allison (Mỹ) và giáo sư Tasuku Honjo (Nhật Bản) tiên phong tìm ra. Trên thực tế, ý tưởng sử dụng hệ miễn dịch chống ung thư đã xuất hiện từ lâu nhưng đến những năm 1990 mới bắt đầu được đưa vào điều trị lâm sàng.

Để hiểu về cơ chế hoạt động của liệu pháp miễn dịch, trước hết cần nói đến tế bào T. Theo Trung tâm Điều trị Ung thư Mỹ, tế bào T cùng các tế bào miễn dịch khác được ví như lực lượng cảnh sát của cơ thể. Khi tế bào lạ xâm nhập, chúng nhận thông báo qua hàng loạt tín hiệu và lập tức can thiệp, cũng giống như cảnh sát được thông báo qua radio.

Gặp tế bào lạ, tế bào T sẽ "rà soát" protein trên bề mặt tế bào, tương tự việc kiểm tra thẻ căn cước. Nếu các protein cho thấy tế bào lành và khỏe mạnh, tế bào T chấp nhận để yên. Ngược lại, nếu các protein lộ ra là tế bào nhiễm trùng mang bệnh, tế bào T lập tức phát lệnh tấn công. Lúc này, hệ miễn dịch tăng cường một loại phân tử gọi là chốt kiểm soát miễn dịch nhằm ngăn tế bào miễn dịch tấn công tế bào bình thường của cơ thể.

Tuy nhiên, tế bào ung thư lại biết cách qua mặt hệ miễn dịch. Bằng cách truyền tín hiệu đến các chốt kiểm miễn dịch như CTLA-4 và PD-1, tế bào ung thư đóng giả tế bào lành, khiến tế bào T không thể kích hoạt tấn công. Chốt kiểm miễn dịch vô tình trở thành cái phanh, kìm hãm hoạt động của tế bào T, ngăn nó tiêu diệt tế bào ung thư.

Muốn đẩy lùi ung thư, cần hỗ trợ hệ miễn dịch phân biệt giữa tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư. Muốn hệ miễn dịch làm được điều này, phải chặn "giao tiếp ngầm" giữa tế bào ung thư và chốt kiểm. Các nhà nghiên cứu đã bào chế các chất ức chế chốt kiểm ra đời. Sự xuất hiện của các chất ức chế chốt kiểm giúp nhả phanh, tạo điều kiện cho tế bào miễn dịch thực hiện đúng nhiệm vụ.


Chất ức chế chốt điểm cắt đứt "giao tiếp ngầm" giữa tế bào ung thư và chốt kiểm miễn dịch. (Ảnh: CTCA).

Các loại thuốc ức chế chốt kiểm từ công trình nghiên cứu của giáo sư Allison và giáo sư Honjo cho thấy hiệu quả rõ rệt ở bệnh nhân ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tế bào hắc tính và ung thư hạch bạch huyết.

Tập trung vào hệ miễn dịch thay vì khối u, liệu pháp này có tác dụng với nhiều dạng ung thư khác nhau và ít gây tổn thương cho cơ thể người bệnh hơn hóa trị, xạ trị.

Một số loại thuốc ức chế chốt kiểm đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt như ipilimumab (Yervoy), pembrolizumab (Keytruda), nivolumab (Opdivo), atezolizumab (Tecentriq).

Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch vẫn còn các hạn chế. Ví dụ, phản ứng ức chế chốt kiểm có thể tồn tại nhiều năm và tác dụng với nhiều loại ung thư nhưng không hiệu quả với mọi bệnh nhân. Theo bác sĩ Phạm Nguyên Quý, bác sĩ nội trú ung thư tại Bệnh viện Đại học Kyoto (Nhật Bản), khá nhiều bệnh nhân khi dùng thuốc ức chế chốt kiểm vẫn không kích hoạt được hệ miễn dịch. Nguyên nhân có thể do hệ miễn dịch bị "trơ" hoặc quá yếu.

Bên cạnh đó, giá thành liệu pháp miễn dịch vô cùng đắt đỏ, chưa kể nhiều trường hợp vẫn cần kết hợp với xạ trị, hóa trị để tăng hiệu quả. Chia sẻ với PV, bác sĩ Quý cho biết lúc mới ra đời, thuốc ức chế chốt kiểm nivolumab đã bị nhiều học giả chỉ trích và gọi với cái tên "loại thuốc làm suy thoái kinh tế Nhật Bản". Nhiều người lo ngại không biết ngân sách có chịu nổi không khi Bộ Y tế nước này phê chuẩn sử dụng nivolumab cho số đông bệnh nhân ung thư phổi.

Ở Mỹ, chi phí điều trị theo liệu pháp miễn dịch lên tới 200.000 USD mỗi năm. Tại Việt Nam, chi phí điều trị bằng thuốc miễn dịch hiện nay chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên người bệnh phải thanh toán 100%. Giá mỗi lọ thuốc hơn 62 triệu đồng.

Ngoài ra, bác sĩ Quý khuyến cáo ngoài các thuốc miễn dịch đã được thử nghiệm lâm sàng và chứng nhận, còn rất nhiều phương pháp "tự xưng". Ngay cả thuốc như nivolumab cũng có thể kích hoạt hệ miễn dịch quá mức, dẫn tới tình trạng "ta tự đánh ta" và các tự miễn như viêm phổi, viêm ruột, viêm da, suy thượng thận, tiểu đường tuýp 1, diễn tiến nghiêm trọng. Vì lý do này, thuốc miễn dịch phải được sử dụng dưới giám sát của các bác sĩ chuyên khoa và cần sự phối hợp liên khoa để ứng phó với nhiều dạng bệnh khi nhỡ bị “tẩu hỏa nhập ma”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất