Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu đi vào hoạt động

Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu tiến vào giai đoạn sản xuất thường xuyên ở Phần Lan chỉ vài giờ sau khi Đức đóng cửa 3 lò phản ứng cuối cùng.


Lò Olkiluoto 3 sẽ hoạt động trong ít nhất 60 năm. (Ảnh: AFP)

Theo thông báo hôm 16/4 của nhà vận hành TVO, lò phản ứng Olkiluoto 3 sản xuất khoảng 14% lượng điện ở Phần Lan và sẽ tăng lên 30%, dự kiến hoạt động trong ít nhất 60 năm tới. Olkiluoto 3 thuộc loại lò phản ứng nước áp lực châu Âu (EPR) thế hệ mới, bắt đầu hoạt động đều đặn sau 18 năm thi công và chậm hơn 14 năm so với lịch trình sản xuất ban đầu. Sau khi hoạt động hết công suất lần đầu tiên vào tháng 9/2022, lò được lên lịch sản xuất thương mại trong tháng 12 cùng năm nhưng phải lùi lại vài lần trong giai đoạn thử nghiệm.

Được xây dựng bởi liên doanh Areva-Siemens, lò phản ứng khởi động lần đầu vào tháng 12/2021 và nối với lưới điện Phần Lan vào tháng 3/2022. Với công suất 1.600 megawatt, Olkiluoto 3 là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu, trong khi nhà máy Zaporizhzhia ở Ukraine với 6 lò phản ứng là nhà máy hạt nhân lớn nhất.

Phần Lan hy vọng có thể dựa vào lò phản ứng mới để đáp ứng nhu cầu điện đầu mùa đông năm nay do lo ngại về thiếu hụt năng lượng sau chiến tranh Nga – Ukraine. Jarmo Tanhua, giám đốc điều hành TVO, gọi sản xuất điện thân thiện với môi trường là một trong những "lá bài chủ" của Phần Lan. Olkiluoto 3 được thiết kế để tái khởi động ngành công nghiệp hạt nhân châu Âu sau thảm họa Chernobyl năm 1986, cung cấp sản lượng cao và độ an toàn. Hai nhà máy EPR tương tự ở Trung Quốc cũng sản xuất thương mại, biến Olkiluoto 3 thành nhà máy thứ 3 hoạt động trên thế giới. Trong một cuộc trưng cầu vào tháng 5/2022, 60% người dân Hà Lan ủng hộ điện hạt nhân.

Trong khi đó, Đức chính thức kết thúc hàng thập kỷ sử dụng năng lượng hạt nhân bằng cách dừng hoạt động của 3 lò phản ứng cuối cùng hôm 15/4. Lò Isar 2 ở vùng đông nam, lò Neckarwestheim ở vùng tây nam và lò Emsland ở vùng tây bắc nước Đức ngừng kết nối với mạng lưới điện trước nửa đêm. Quyết định ngừng sử dụng điện hạt nhân của Đức là kết quả từ phong trào bài hạt nhân mạnh mẽ. Nhưng một số chuyên gia chỉ trích quyết định sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Đức vào than đá trong lúc tìm cách đối phó khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Nga - Ukraine.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất