Lò phản ứng nhiệt hạch nóng gần một tỷ độ C
Lò phản ứng nhiệt hạch sử dụng nhiên liệu hydro – boron mới của công ty TAE Technologies sẽ đạt nhiệt độ gần một tỷ độ C sau khi hoàn thành.
Lò phản ứng thế hệ thứ 6 Copernicus có thể tạo ra năng lượng thuần vào giữa thập kỷ này. (Ảnh: TAE)
TAE Technologies hôm 12/8 thông báo công ty đã thu hút đủ vốn đầu tư cho quá trình xây dựng lò phản ứng nghiên cứu tiếp theo mang tên Copernicus. Trước đó, TAE đã đạt nhiệt độ hơn 75 triệu độ C và chứng minh khả năng kiểm soát plasma theo thời gian thực với thiết kế lò phản ứng nhiệt hạch tiên tiến gọi là Norman.
Là nhà tiên phong trong lĩnh vực nhiệt hạch hydro - boron, phương pháp không thải phóng xạ mà TAE sử dụng là cách nhanh, khả thi và hiệu quả nhất để cung cấp cho mạng lưới lượng điện lớn. Với lò phản ứng Copernicus, mục tiêu của TAE là xây dựng cơ sở rộng 1.076.391 m2 ở Irvine, California để chứng minh cấu hình đảo trường từ dẫn bằng chùm tia (FRC) có thể sản sinh năng lượng thuần, bước cuối cùng để thương mại hóa năng lượng nhiệt hạch sạch. Khi hoàn thành, Copernicus có thể đạt nhiệt độ gần một tỷ độ C.
Lò phản ứng Norman được phát triển bởi TAE duy trì plasma ở nhiệt độ 30 triệu độ C, ra mắt vào năm 2017. Cỗ máy thể hiện khả năng duy trì plasma ổn định ở trên 75 triệu độ C, lớn gấp 250% mục tiêu ban đầu, sau 5 năm thí nghiệm.
Tính đến nay, TAE đã kêu gọi được tổng cộng 1,2 tỷ USD vốn đầu tư cho giai đoạn phát triển lò nhiệt hạch thương mại. Công ty hướng tới cung cấp giải pháp dài hạn cho nhu cầu điện ngày càng gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Do không thải carbon và bụi mịn, phương pháp an toàn của TAE giảm tối đa bất kỳ tác động tiêu cực nào tới môi trường hoặc biến đổi khí hậu. Các nhà đầu tư mới nhất của công ty bao gồm Chevron, Google, Reimagined Ventures, Sumitomo Corporation of Americas, và TIFF Investment Management.
- Một trong những ngôi sao sáng nhất bầu trời vừa nổ
- Điều gì sẽ xảy ra nếu Trái đất là hành tinh duy nhất trong Hệ Mặt trời?
- Thời đại vi chip sắp kết thúc, hãy chuẩn bị chào đón kỷ nguyên của siêu chip