Loài cá 200 triệu năm tuổi của Trung Quốc chính thức bị tuyệt chủng

Cá tầm thìa, họ hàng gần của cá tầm, được tuyên bố tuyệt chủng trong tự nhiên bởi Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế chuyên theo dõi các loài nguy cấp.


Cá tầm thìa sống trên Trái đất từ cuối kỷ Jura. (Ảnh: iStock)

Tổ chức chuyên nghiên cứu cá tầm thuộc Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN SSG) hôm 21/7 xác nhận cá tầm thìa Trung Quốc, loài vật được trông thấy lần cuối cùng trong tự nhiên năm 2003, đã tuyệt chủng. Báo cáo nghiên cứu toàn diện về tình trạng của cá tầm và cá tầm thìa trên thế giới cho thấy tất cả 26 loài cá tầm và cá tầm thìa còn sót lại hiện nay đều bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 2/3 nằm trong danh mục cực kỳ nguy cấp, theo Newsweek.

Cá tầm thìa được bảo vệ ở Trung Quốc từ thập niên 1980. Số lượng loài này suy giảm dần sau những năm 1970 do đánh bắt quá mức và môi trường sống phân mảnh. Dự án xây đập Cát Châu Bá được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm số lượng cá tầm thìa Trung Quốc. Là động vật bản xứ trên sông Dương Tử, cá tầm thìa khổng lồ có thể dài tới 7 m, dù chưa có mẫu vật nào được tìm thấy trong nhiệm vụ đánh bắt năm 2006. Đây là loài cá cổ đại đã tồn tại trên Trái Đất từ cuối kỷ Jura cách đây 200 triệu năm. Một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tạp chí Science of the Total Environment kết luận cá tầm thìa Trung Quốc đã tuyệt chủng, nhưng báo cáo mới của IUCN SSG là xác nhận chính thức về sự diệt vong của chúng.

Ngoài cá tầm thìa Trung Quốc, báo cáo cũng xác nhận sự tuyệt chủng của hai loài cá khác là cá tầm sông Dương Tử trong tự nhiên và cá tầm râu tua trên sông Danube. Hiện nay, cá tầm râu tua chỉ còn sinh sống trên sông Ural ở Nga và Kazakhstan, cùng với một vài quần thể thưa thớt ở Georgia và Iran.

Theo báo cáo, săn trộm cá tầm để mua bán trứng và thịt trái phép là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự biến mất của chúng. Những chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước ngăn chặn sự tuyệt chủng của những loài cá tầm và cá tầm thìa cực kỳ nguy cấp khác. Ngoài ra, SSG cũng ghi nhận thành công trong công tác bảo tồn cá tầm Adriatic ở Italy và cá tầm trắng trên sông Fraser ở British Columbia, Canada.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất