Loài san hô kỳ lạ sống trong hang
Một loài san hô bám trên trần của những hang sâu dưới Thái Bình Dương và chúng sinh trưởng bình thường dù nhận rất ít ánh sáng.
Livescience đưa tin các nhà khoa học của Trung tâm Đa dạng sinh học tại Hà Lan phát hiện loài san hô mới trong Tam giác san hô ở phía tây Thái Bình Dương. Chúng phân bố ở độ sâu tối đa 35m. Họ gọi chúng là Leptoseris troglodyta.
San hô Leptoseris troglodyta sinh trưởng mà
không cộng sinh với tảo. (Ảnh: Livescience)
Phần lớn san hô cộng sinh với tảo zooxanthellae. Tảo quang hợp để tạo ra hydratcarbon và oxy. San hô sử dụng những chất này để tổng hợp nên canxi carbonat - “xương sống” của chúng.
Do có khả năng sinh trưởng trong điều kiện ánh sáng yếu, L.troglodyta không có loài tảo cộng sinh. Nhóm nghiên cứu cho rằng chúng có quan hệ họ hàng với những loài san hô sống ở độ sâu lớn hơn 40m.
"Loài san hô mà chúng tôi mới phát hiện tạo nên những polyp nhỏ hơn so với những loài họ hàng của chúng và cũng phát triển khá chậm", Bert Hoeksema, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Hoeksema và các đồng nghiệp sẽ nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân khiến san hô L.troglodyta có thể sinh trưởng mà không cần tảo cộng sinh. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp họ hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa hai loài. Mối quan hệ đó rất quan trọng đối với san hô. Khi nhiệt độ nước biển tăng - xu thế đang xảy ra trong các đại dương hiện nay - nhiều loài san hô sẽ đẩy tảo cộng sinh ra khỏi cơ thể chúng. Hiện tượng này sẽ dẫn tới cái chết của san hô.
Tham khảo: Scientias