Loài vật tự đoạn chi để trốn thoát thú săn mồi
Để thoát khỏi sự tấn công của những con cua, một loài sên biển sẵn sàng cắt rời phần vây giống mái chèo ở phía sau để bơi đi.
Các nhà khoa học từ Đại học Victoria, Canada, cho rằng quá trình tự đoạn chi của loài sên biển mũ chụp tên Melibe leonine là một cách ngăn thú săn mồi tấn công những bộ phận cơ thể dễ tổn thương. Phát hiện được nhóm nghiên cứu công bố trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh vật học Mỹ ở Portland, Oregon hôm 4/1.
Theo Nature World News, sên biển Melibe leonine không có lớp vỏ bảo vệ. Loài động vật thân mềm này sống trên những cây rong biển và sử dụng chiếc miệng hình mũ chụp có nhiều xúc tu để bắt loài tôm phù du nhỏ. Ở phía sau cơ thể chúng mọc ra những chiếc vây cerata có khả năng tách rời.
Sên biển Melibe leonine có khả năng tự đoạn chi. (Ảnh: Tumblr).
Khi bị cua biển tấn công dùng càng kẹp chặt lấy những chiếc vây này, sên biển Melibe leonine sử dụng chiến thuật thoát thân rất độc đáo.
"Trong tình huống nguy hiểm, mô ở gốc của cerata tan rã khiến chiếc vây này rụng ra", Louise Page, nhà nghiên cứu ở Đại học Victoria, giải thích. Hành vi tự đoạn chi này tương tự như cách thằn lằn ngắt đuôi khi bị thú săn mồi bắt. Sên biển có thể mọc lại phần vây bị đứt sau đó.
"Đoạn chi là quá trình tự bỏ đi phần phụ, và loài vật phải có cách chữa lành vết thương để không chảy máu đến chết", Page cho biết.
Trong nghiên cứu mới, Page xem xét khu vực ở gốc của cerata và phát hiện một số đặc trưng độc đáo như những tế bào chứa đầy hạt nhỏ nối trực tiếp với dây thần kinh.
Sau đó, nhóm của Page tìm hiểu những tín hiệu kích hoạt quá trình tự đoạn chi. Theo họ, khi cơ chế này diễn ra, những cơ dọc co rút mạnh, gây áp lực lên gốc phần vây, giải phóng vật chất dạng hạt từ tế bào và phá vỡ các mô liên kết. Hai hai cơ vòng dọc gốc phần vây co rút để tách rời cerata và làm liền vết thương, giúp sên biển khỏi chết. Các phát hiện có thể dẫn đến bước đột phá trong y học về chữa trị vết thương cho bệnh nhân.