Máy bay phản lực siêu thanh tĩnh X-59 của NASA có gì đặc biệt?
Máy bay siêu thanh thế hệ mới của NASA đã tiến sát đường băng để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên.
Từ năm 2018, dự án máy bay phản lực siêu thanh tĩnh X-59 của NASA đã tạo ra sự thu hút mạnh mẽ với giới truyền thông.
Cận cảnh chiếc máy bay siêu thanh X-59. Hiện, các kỹ sư đang chuẩn bị cho các chuyến bay thử nghiệm trên mặt đất diễn ra tại cơ sở của Lockheed Martin ở Palmdale, California (Ảnh: Lockheed Martin).
Đây được xem là bước đi táo bạo của NASA, đánh dấu một cột mốc quan trọng để mang đưa du lịch thương mại siêu thanh bước gần hơn đến thực tế.
Mới đây, NASA cho biết, vào ngày 19/6, máy bay X-59 đã được chuyển từ địa điểm lắp ráp tại cơ sở của nhà thầu Lockheed Martin đến đường bay. Sau giai đoạn này là một loạt các thử nghiệm trên mặt đất để đảm bảo rằng các hệ thống trên X-59 đã sẵn sàng cho sứ mệnh sắp tới.
Mục tiêu của NASA là chứng minh rằng máy bay phản lực có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh (còn gọi là Mach 1) nhưng không tạo ra tiếng nổ lớn như hầu hết các máy bay siêu thanh khác.
Đó là lý do vì sao X-59 được gọi là máy bay phản lực siêu thanh tĩnh.
Theo số liệu được công bố bởi NASA, máy bay X-59 dài 30 mét, rộng 9 mét, được trang bị một động cơ phản lực duy nhất, chế tạo bởi General Electric Aviation, một công ty con của General Electric.
Máy bay được thiết kế để đạt tốc độ Mach 1,4, hay 1.488km/giờ, hoạt động ở độ cao 16.764 mét. Đáng chú ý, khi động cơ khởi động, X-59 sẽ chỉ tạo ra một tiếng đập nhẹ, tương đương với tiếng đóng cửa ô tô, đối với những người trên mặt đất.
Hình ảnh trực diện của máy bay siêu thanh X-59. (Ảnh: Lockheed Martin).
Để so sánh, các thế hệ máy bay siêu thanh trước đây thường tạo ra các âm thanh chói tai, đến mức có thể khiến các cửa kính kêu "lách cách" khi chúng bay qua.
Với việc giảm tiếng ồn trên X-59, NASA hy vọng rằng họ có thể thuyết phục các cơ quan quản lý cho phép máy bay siêu thanh bay qua khu vực có người ở.
Đến nay, do những âm thanh quá lớn gây ra trong quá trình hoạt động, du lịch hàng không siêu thanh chỉ được phép thực hiện trên các đại dương.
"NASA sẽ cung cấp bộ dữ liệu thu thập được từ phản ứng của con người đối với âm thanh được tạo ra trong chuyến bay siêu thanh cho các cơ quan quản lý. Từ đó tạo tiền đề cấp phép cho những chuyến bay siêu thanh thương mại trên đất liền", các quan chức của cơ quan vũ trụ cho biết.
Nếu được thử nghiệm thành công, đây có thể là máy bay siêu thanh thương mại đầu tiên chở hành khách trên thế giới.
- Mỹ sắp phóng máy bay nhanh gấp 20 lần âm thanh
- NASA công bố hình ảnh máy bay phá vỡ bức tường âm thanh
- Máy bay siêu tốc bay khắp thế giới trong 4 giờ