Máy gặt lúa giành giải sáng chế 100 triệu đồng
Với những tính năng vượt trội, máy gặt đập lúa của ông Phạm Hoàng Thắng (Cần Thơ) nhận giải nhất cuộc thi sáng chế năm 2013, trao tại TP HCM tối 9/11.
Đây là chiếc máy gặt đập liên hợp, dễ sử dụng, có thể cắt được ruộng lúa nghiêng ngả, ít bị ngập lún, tỷ lệ hạt hư hỏng sau khi thu hoạch thấp hơn và hạt lúa sạch. Chiếc máy có cách sử dụng đơn giản, giá thành bằng một nửa so với các loại máy có công suất tương tự nhập khẩu từ nước ngoài.
Máy là thành quả của ông Thắng sau 4 năm miệt mài nghiên cứu với bao công sức đầu tư. Xuất phát từ trăn trở lao động nông thôn càng ngày càng khan hiếm, vào mùa vụ lúa thường chín hàng loạt, không gặt kịp nên hao hụt nhiều, chất lượng hạt gạo không đảm bảo, ông Thắng thai nghén ý tưởng làm nên một sản phẩm giúp cho người nông dân thay thế được công lao động, giảm được chi phí hao hụt, nâng cao năng suất.
"Điều khó khăn là mỗi lần chỉnh sửa, nâng cấp thì phải đợi đến mùa vụ thu hoạch lúa mới thử nghiệm được nên khiến cho việc chế tạo máy kéo dài thời gian", ông Thắng chia sẻ. Ông cũng là tác giả của nhiều sáng chế rất hữu ích, thiết thực với người nông dân.
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân trao giải nhất cho ông Phạm Hoàng Thắng với sáng chế máy gặt lúa. (Ảnh: L.K)
Theo ban tổ chức, với đất nước mà cơ cấu lao động theo nhóm ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng cao nhất như hiện nay (47,5% theo kết quả thống kê năm 2012), những sáng chế, giải pháp kỹ thuật cho nhóm ngành này là điều rất cần thiết để góp phần tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất.
Giải nhì cuộc thi thuộc về Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển Đô thị Bà Rịa Vũng Tàu với giải pháp “Hệ thống xử lý phân tán nước thải sinh hoạt tại Việt Nam”. Giải ba dành cho giải pháp “Vòng bi cổ xe máy - Upsidedown” của tác giả Nguyễn Vĩnh Sơn.
Chương trình cũng trao giải sáng chế vì môi trường cho nhóm tác giả đến Viện sinh học Nhiệt đới với giải pháp “Tận dụng nước thải sau chưng cất cồn để sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi”. Ngoài ra 15 giải pháp sáng chế xuất sắc, lọt vào vòng chung kết trên tổng số 146 giải pháp tham gia dự thi ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, môi trường, thực phẩm, xây dựng… cũng được thưởng 5 triệu đồng.
Chiếc máy gặt đập của ông Phạm Hoàng Thắng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đây là cuộc thi do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Tổng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc KIPO và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam Vietkings tổ chức. Lần đầu tiên phát động, cuộc thi đã thu hút được nhiều giải pháp kỹ thuật hoàn thiện, hữu ích và có tính ứng dụng cao.