Máy in 3D tạo ra pho mát có mùi vị thơm ngon như thật
Công nghệ phát triển đến độ chỉ với một chiếc máy in 3D, bạn đã có thể tạo ra những miếng pho mát thơm ngon và không tốn nhiều thời gian.
Pho mát là món ăn ngon, dễ kết hợp với bất kì món ăn nào – dù là dùng chung với rượu vang đỏ hay phết lên trên một miếng bánh mỳ nướng. Nhưng nó không phải là vật liệu lý tưởng để sử dụng trong in ấn - trừ khi bạn là một thành viên của nhóm các nhà khoa học dinh dưỡng.
Gần đây, một nhóm nghiên cứu tiên phong đã sử dụng kỹ thuật in 3D để tạo ra một loại pho mát mềm hơn, mượt hơn và lỏng hơn tất cả các loại pho mát từng được tạo ra trước đây.
Loại pho mát này là một ví dụ vô cùng có giá trị cho các kỹ sư đang phát triển các loại vật liệu để in 3D.
Nhóm nghiên cứu đến từ trường thực phẩm và khoa học dinh dưỡng thuộc Trường đại học Cork (UCC) này đã tiến hành một loạt các bài kiểm tra đánh giá kết cấu, khả năng đàn hồi và độ tan chảy của pho mát in 3D.
Vật liệu in 3D cần đủ độ lỏng để chảy qua một vòi phun và lắng xuống để tạo thành một hình dạng và cấu trúc xác định. Sau khi tan được 12 phút, pho mát có nhiệt độ 75°C (167°F). Kế tiếp, nhóm nghiên cứu UCC cho nó vào một máy in 3D thương mại đã được điều chỉnh. Máy này, thường được dùng để in nhựa, nay được gắn thêm một ống tiêm để cho phép in pho mát tan chảy.
Pho mát in bằng máy in 3D. (Ảnh: Shutterstock).
Vi cấu trúc (micro-structure) của thực phẩm được sử dụng để in 3D có thể thay đổi khi chịu áp lực, lần đầu tiên là khi nó được nung nóng và sau đó là khi bị vắt qua miệng vòi.
Nhóm UCC đã sử dụng một số kỹ thuật để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của quá trình in 3D lên pho mát. Họ so sánh kết quả in pho mát 3D với pho mát chế biến đã bị tan chảy. Sau đó nhóm nghiên cứu làm lạnh chúng trong một xi lanh, cũng như một mẫu pho mát khác chưa được xử lý.
Sau kiểm tra, các nhà nghiên cứu thấy pho mát được in 3D mềm hơn pho mát chưa được xử đến 45 – 49%. Họ cũng phát hiện ra rằng, pho mát in 3D có màu sẫm hơn một chút, đàn hồi và lỏng hơn khi tan chảy. Mặc dù loại pho mát mới này tan chảy cùng nhiệt độ với các loại pho mát chưa qua xử lý. Nguyên nhân của việc này là do những sự thay đổi trong mạng protein của pho mát.
Nguồn cảm hứng cho thí nghiệm đến từ một nhà sản xuất pho mát. Ông ấy tự hỏi: Liệu pho mát có thể được sử dụng làm nguyên liệu thô trong những nhà bếp được trang bị máy in 3D trong tương lai không xa hay không?
Alan Kelly - Giáo sư tại UCC ở Ireland và là một trong những tác giả của nghiên cứu, phát biểu với Live Science: "Đây là một câu hỏi mang tính chất đi trước thời đại khiến tôi rất hào hứng. Chúng tôi đã thử nhiều cách và nhiều loại pho mát khác nhau, nhưng cuối cùng chúng tôi thấy pho mát chế biến sẵn là sự lựa chọn tốt nhất".
Tiến sĩ Kelly và các đồng nghiệp của ông đang thử nghiệm các loại sản phẩm sữa khác trên máy in 3D. Tiến sĩ Kelly nói: "Hiện tại, chúng tôi đang kết hợp nhiều loại protein sữa để chế biến một sản phẩm mới. Đây có thể là một bữa ăn nhẹ có hàm lượng protein cao. Từ những điều cơ bản, chúng tôi sẽ thiết kế các công thức nấu ăn sao cho phù hợp nhất với các máy in 3D và để nó có thể làm việc một cách hiệu quả nhất".
"Dù chúng tôi chỉ đang ở trong giai đoạn đầu của việc chế biến ra các hệ thống thực phẩm khác nhau, nhưng tạo ra thức ăn bằng máy in 3D thật sự thú vị. Ngành công nghiệp này có rất nhiều tiềm năng để khám phá và cải tiến. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mong muốn thực phẩm chế biến bằng con đường này vẫn có thể giữ nguyên mùi vị như khi chúng được chế biến theo cách thông thường", ông Kelly cho biết thêm.
Toàn bộ nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Direct.